Từ đầu tháng 4, VN-Index có 6 trên 8 phiên giảm điểm. Riêng tuần trước, thị trường điều chỉnh 4 phiên liên tiếp với biên độ gần 37 điểm, áp lực điều chỉnh khá mạnh ở vùng giá quanh 1.280 điểm. Trong tháng 3, chỉ số đại diện sàn HoSE cũng có thời điểm liên tục đi lùi, có phiên sụt đến 20 điểm.
Các công ty chứng khoán, đơn vị phân tích và chuyên gia trong ngành cho rằng, VN-Index rung lắc thời gian gần đây do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, bất ổn địa - chính trị, tâm lý chốt lời, biến động ở các kênh đầu tư khác... Trong đó, hai yếu tố tác động lớn hơn cả là tỷ giá tăng và khối ngoại bán ròng. Đây cũng là hai yếu tố từng góp phần tạo ra đợt điều chỉnh sau cho thị trường hồi tháng 9-10/2023.
Theo thống kê của Chứng khoán BIDV (BSC), VND đã giảm 2,11% trong 3 tháng đầu năm so với USD, tỷ giá USD trên VND lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Trong 17 lần tỷ giá tăng trên 1%, chỉ số VN-Index đi lùi 10 phiên với mức giảm trung bình khá tương tự mức tăng của tỷ giá. Đến đầu tháng 4, các ngân hàng niêm yết USD vượt 25.000 đồng, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Đồng bạc xanh mạnh lên cũng tác động đến dòng vốn ngoại trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 40 phiên. Trừ tháng 1, họ ưu tiên xả hàng trong ba tháng liên tiếp sau đó. Tổng giá trị bán ròng lũy kế đến nay đạt hơn 11.970 tỷ đồng, tương đương 61% lượng rút ròng cả năm 2023.
Trả lời VnExpress, ông Trương Quang Bình - Phó giám đốc nghiên cứu khối khách hàng tổ chức của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng rủi ro tỷ giá chỉ mang tính tạm thời do ảnh hưởng bởi thị trường vàng. Về bản chất, USD cần cho nhập khẩu hàng hóa để sản xuất không thiếu khi thặng dư thương mại và dịch vụ ba tháng đầu năm đạt trên 5 tỷ USD.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nói trong hội thảo gần đây rằng áp lực tỷ giá hiện tại chỉ mang "tính mùa vụ". Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao, tình trạng nhập lậu vàng và nhu cầu nhập khẩu tăng lên để phục hồi sản xuất là những yếu tố đẩy chênh lệch giữa USD và VND.
Ông cho rằng các yếu tố kể trên chỉ tác động ngắn hạn, áp lực sẽ hạ nhiệt trong quý II, nhưng có thể gặp lại vào quý III khi nhu cầu nhập khẩu tăng vào cuối năm.
"Xét trong dài hạn, tỷ giá không tạo ra áp lực quá lớn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bằng tăng dự trữ ngoại hối hoặc lãi suất, nhưng không đến gây ra mức đảo chiều chính sách", ông Huân nói.
Về câu chuyện khối ngoại duy trì đà bán ròng, theo ông Trương Quang Bình, đây là điều không mới và họ đã bán ròng xuyên suốt từ năm 2023. "Trong đợt này, khối ngoại xả hàng có thể đến từ động cơ chốt lãi khi đã mua ròng mạnh mẽ trong tháng 1", chuyên gia nói thêm.
Từ quan điểm trên, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng những cơn rung lắc thời gian qua là sự điều chỉnh lành mạnh và cần thiết trong xu hướng tăng dài hạn, khi chỉ số VN-Index đã tích lũy khoảng 11% từ đầu năm. Việt Nam đang là thị trường có hiệu suất hàng đầu khu vực (chỉ sau Sri Lanka).
Thời gian tới, đơn vị này tin triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là động lực thúc đẩy chứng khoán Việt Nam, qua đó thu hút lượng lớn dòng tiền đổ vào.
Thêm vào đó, chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước tiếp tục kéo dài. Dù nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh so với đáy cũ tháng 10/2023, định giá của VN-Index vẫn hấp dẫn khi P/E (giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu) dự báo năm nay ở mức 12,1 lần, mức trung bình thấp trong khu vực.
Tuy nhiên, giữa chu kỳ tăng giá, các phiên điều chỉnh đan xen có thể tiếp tục được ghi nhận. Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Chứng khoán Thành Công (TCSC) cho rằng, nhà đầu tư sử dụng margin với tỷ lệ cao nên quan sát rủi ro để điều chỉnh tỷ lệ sử dụng đòn bẩy về mức hợp lý.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng nên nhìn lại danh mục hiện tại, tìm cách cân bằng tỷ lệ giữa các cổ phiếu có tính đầu cơ và các cổ phiếu ổn định, sức khỏe doanh nghiệp tốt.
Tất Đạt