Tháng 11, giảm nhẹ với thanh khoản thấp
Tâm điểm vĩ mô tháng 11 là kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII. Quốc hội xác định, nhiệm vụ tổng quát năm 2013 là tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 là 5,5%, CPI tăng 8%. Ngoài ra, Quốc hội đưa ra hai định hướng quan trọng về kinh tế: Bộ xây dựng tập trung “phá băng” thị trường bất động sản, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu; Ngân hàng Nhà nước cần tạo chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống ngân hàng lành mạnh. Tuy nhiên, thông tin liên quan đến việc thành lập công ty xử lý nợ xấu chưa được công bố.
Thị trường chứng khoán tháng 11 tiếp tục diễn biến trầm lắng với thanh khoản thấp. Thị trường phản ứng sát với các chỉ báo kỹ thuật, tăng điểm vào đầu tháng khi giảm quá mốc hỗ trợ kỹ thuật, cũng như dao động phía ngoài đường lower của dải Bollinger Bands. Tuy nhiên, mức độ tăng không nhiều và không đi kèm với sự cải thiện về thanh khoản. Thị trường nhanh chóng giảm điểm trở lại từ giữa tháng, khi còn cách khá xa ngưỡng kháng cự (khoảng 400 điểm đối với Vn-Index; 57 điểm đối với HNX-Index), cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư còn phổ biến. Tính chung cả tháng, Vn-Index giảm 2,73%, xuống 377,82 điểm; HNX-Index giảm 3,72%, xuống 51,05 điểm.
Định hướng quan tâm hơn đến thị trường bất động sản của Quốc hội đã giúp dòng tiền tham gia nhóm cổ phiếu bất động sản tăng khá. Tuy nhiên, dòng tiền phần lớn tập trung vào những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt. Mặt khác, diễn biến tăng-giảm nhanh của từng nhóm cổ phiếu vẫn cho thấy quan điểm thận trọng của nhà đầu tư.
Có thể lý giải diễn biến nói trên thông qua một số yếu tố sau:
Thứ nhất, bối cảnh vĩ mô tháng 11 chưa có chuyển biến. CPI tháng 11 tăng 0,47%, thấp hơn mức tăng 0,85% của tháng 10, giúp CPI so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 7,08%. CPI thấp đang giúp nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất huy động sớm được điều chỉnh giảm, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong cuộc họp thường kỳ tháng 11. Tuy nhiên, CPI tháng 11 thấp hơn tháng 10, trái ngược với tính chu kỳ thông thường của chỉ số giá, cho thấy sức cầu yếu đang tác động mạnh đến khả năng tiêu thụ sản phẩm. Xét theo tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 11 tăng nhẹ so với tháng trước, cho thấy một bộ phận doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa phục vụ chu kỳ cuối năm. Tuy nhiên, chỉ số tiêu thụ sụt giảm khiến tỷ lệ hàng tồn kho tăng nhẹ trở lại, cho thấy các giải pháp nhằm cải thiện tổng cầu vẫn chưa đem lại nhiều kết quả trên thực tế.
Thứ hai, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp giảm mạnh. Đến ngày 16/11, có 92% doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý III. Tính trung bình trên hai sàn, doanh thu quý III giảm 4,4% và lợi nhuận ròng giảm 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng nhẹ 0,8%, nhưng lợi nhuận giảm 7,3% so với cùng kỳ. Ngoài ngành dịch vụ y tế và dầu khí vẫn có doanh thu, lợi nhuận tăng nhờ được hưởng lợi về giá (tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu), các ngành còn lại đều có doanh thu, lợi nhuận giảm.
Số liệu này cho thấy, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn hơn trong quý III, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, có tỷ lệ vốn vay lớn. Việc lợi nhuận ròng giảm mạnh hơn nhiều so với doanh thu cho thấy sức ép về chi phí, cũng như sức cầu yếu khiến các doanh nghiệp phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận.
Tâm điểm tái cơ cấu danh mục ETF
Bối cảnh vĩ mô dự kiến chưa có nhiều cải thiện. Với diễn biến hạ nhiệt của lạm phát, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh giảm trong tháng 12. Những căng thẳng vĩ mô thường thấy thời điểm cuối năm về thanh khoản ngân hàng, tỷ giá dự kiến không nhiều do: thanh khoản hệ thống ngân hàng khá dồi dào; Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 33.200 tỷ đồng trên thị trường mở trong tháng 11, nhằm điều hòa dòng vốn; Việt Nam chỉ nhập siêu nhẹ 180 triệu USD trong 11 tháng đầu năm (tính đến 15/11). Theo chu kỳ, hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp thường tăng mạnh trong quý IV. Tuy nhiên, với thực tế sức mua của nền kinh tế còn yếu như hiện tại, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 chỉ đạt 5-5,2%, CPI tăng 7,5%. Giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết nợ xấu vẫn là mục tiêu trọng tâm cần giải quyết trong năm 2013.
Tâm điểm trên thị trường chứng khoán sẽ là hoạt động chốt giá trị tài sản ròng (NAV) cuối năm và tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư chỉ số (ETF). Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam có 4 quỹ ETF đang hoạt động được biết đến phổ biến. Tính đến ngày 29/11, tổng tài sản của Market Vector Vietnam Index là 252,5 triệu USD, FTSE Vietnam All Share Index là 401,71 triệu USD, FTSE Vietnam Index ETF là 201,88 triệu USD, MSCI Frontier 100 Index Fund là 17 triệu USD.
Theo kế hoạch, quỹ FTSE sẽ thay đổi danh mục trong thời gian từ 20/11-14/12. Thông tin về danh mục mới được công bố vào ngày 7/12. Việc thay đổi danh mục sẽ kết thúc vào ngày 21/12, danh mục mới sẽ có hiệu lực từ 24/12. Trong danh sách 23 cổ phiếu nắm giữ của FTSE Vietnam Index ETF tại thời điểm cuối tháng 11, quỹ đã giảm tỷ trọng tại 10 mã so với tháng 10; một số mã có tỷ trọng tăng là DPM (từ 8,63% lên 8,87%), CTG (từ 7,11% lên 8,05%), VSH (từ 1,65% lên 1,81%).
Trong quá khứ, các đợt xem xét điều chỉnh danh mục của các quỹ ETF khiến thị trường có biến động đáng kể, ở những mã tăng/giảm tỷ trọng trong danh mục của các quỹ. Diễn biến của hai chỉ số Index mà FTSE quản lý khá tương đồng với Vn-Index.
Nhận định xu hướng
Theo quan điểm kỹ thuật, Vn-Index đang dao động hẹp theo chiều hướng giảm nhẹ. Mốc hỗ trợ của thị trường là khoảng 370 điểm đối với Vn-Index; 50 điểm đối với HNX-Index. Áp lực cung giá thấp tại vùng giá hiện tại không nhiều. Vào cuối tháng 11, thị trường đã có phản ứng nhẹ khi tiến sát ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, nhưng lực cầu bắt đáy còn yếu.
Với diễn biến cung cầu và thông tin vĩ mô hiện tại, thị trường dự báo tiếp tục diễn biến giảm nhẹ trong tháng 12. Mốc hỗ trợ của thị trường là khoảng 370 điểm đối với Vn-Index; 50 điểm đối với HNX-Index. Chúng tôi kỳ vọng động thái tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư sẽ là thông tin hỗ trợ thị trường trong tháng 12.
Nhóm cổ phiếu được quan tâm dự kiến có liên quan đến quỹ ETF và một số mã blue-chip thuộc ngành nghề liên quan. Nhóm cổ phiếu nhỏ thuộc sàn HNX dự báo không có nhiều tích cực, khi P/E của HNX-Index đã tăng khá mạnh và hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn trong quý IV.
Theo Đầu tư chứng khoán