Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội, sở dĩ có cuộc họp bất thường này vì đến 4/3, thị trường đã xuống quá thấp, cần có giải pháp để cứu vãn.
Hiệp hội đã đề xuất 4 giải pháp cấp bách gồm: Các công ty chứng khoán và quản lý quỹ đồng tình từ 5/3 sẽ tạm dừng việc bán cổ phiếu tự doanh của đơn vị mình. Tạm ngừng giao dịch chứng khoán cho đến khi cơ quan quản lý có các biện pháp ổn định thị trường. Đề nghị Bộ Tài chính dừng việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Đề nghị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ngừng bán phần vốn Nhà nước đang sở hữu.
Giới đầu tư đang mong đợi động thái cứu thị trường từ cơ quan quản lý. Ảnh: Hoàng Hà |
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất 4 giải pháp dài hạn để ổn định thị trường. Theo đó, các nhà đầu tư đề xuất thành lập quỹ bình ổn trị giá 5.000 tỷ đồng để cứu thị trường ở những thời điểm khó khăn. Mặt khác, Hiệp hội cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán cho phép các công ty chứng khoán triển khai nghiệp vụ ký quỹ và bán khống. Cùng với đó, giới kinh doanh chứng khoán đề xuất nâng tỷ lệ nắm giữ của các công ty đại chúng chưa niêm yết lên 49%. Cuối cùng, Hiệp hội đề nghị Ủy ban giãn tiến độ lập công ty chứng khoán mới và cho phép các công ty đang hoạt động triển khai sớm mô hình công ty đầu tư.
Trước đó, vào trưa cùng ngày, hơn 20 nhà đầu tư chứng khoán đã họp tại TP HCM, ký vào thư khẩn cấp đề xuất 10 giải pháp cứu Vn-Index, gửi Chính phủ, Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM...
Theo các nhà đầu tư này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ nếu Chính phủ không có biện pháp kịp thời, hiệu quả để cứu nguy.
Nhóm gửi thư khẩn cấp cho rằng, cần 3.000 tỷ đồng để giải cứu thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhóm đề nghị Chính phủ nên cam kết mua lại 1% tổng số cổ phần của 20-25 doanh nghiệp có vốn thị trường lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Đề nghị mỗi công ty trong nhóm 50-70 nhà phát hành có vốn thị trường cao nhất, cùng với các cổ đông lớn của họ, mua lại ít nhất bằng 1,5% tổng số cổ phần của mỗi đơn vị.
Các nhà đầu tư cũng đề nghị, thời gian này không đưa lên sàn cổ phiếu mới. Thậm chí có thể tạm dừng giao dịch một số cổ phiếu có tác động không tốt đến thị trường. Nên tạm dừng giao dịch trong một hay một số ngày để thực hiện các biện pháp khẩn cấp. Thư khẩn cấp cũng đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt để chấn chỉnh thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư chứng khoán bức xúc tại cuộc họp ký tên vào thư khẩn cấp cứu thị trường, diễn ra trưa 4/3 ở TP HCM. Ảnh: S.N. |
Một số lãnh đạo thuộc các cơ quan quản lý cũng bày tỏ lo lắng khi Vn-Index liên tục đi xuống và trụ lại ở 608,88 điểm hôm 4/3. Một quan chức cho rằng, diễn biến thị trường tới thời điểm này là đáng lo ngại, đặc biệt ở góc độ tâm lý của nhà đầu tư. Theo ông này, trong bối cảnh các công ty chứng khoán và giới đầu tư đều mất lòng tin như hiện nay, thị trường có thể diễn biến rất nhanh và sụt giảm mạnh hơn bình thường.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC), nhận xét: “Gần đây tâm lý hoang mang của nhà đầu tư cá thể đã lan sang cả một số công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ”. Do vậy, theo Giám đốc HASTC, giải pháp các cấp quản lý cần thực hiện nhất lúc này là ổn định tâm lý và lòng tin của nhà đầu tư.
Mặt khác, theo ông Trần Văn Dũng, trong bối cảnh kinh tế thế giới, cộng với tác động của thời tiết mới đây, chỉ tiêu kinh tế mà Chính phủ đặt ra cho năm 2008, trong đó có tăng trưởng và lạm phát, sẽ khó đạt được. Song nhìn chung, theo ông Dũng, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn khá ổn định, hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết vẫn bình thường. Bên cạnh đó, một số biện pháp của cơ quan quản lý như Công điện 02 của Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng góp phần ổn định thị trường tiền tệ.
Cũng theo ông Dũng, giải pháp ngừng giao dịch tại thời điểm này là chưa cần thiết vì thị trường chưa diễn biến xấu đến mức phải áp dụng biện pháp này. "Các nhà đầu tư nên phân tích tình hình và cân nhắc hơn trước khi đưa ra các quyết định giao dịch vào thời điểm nhạy cảm này", Giám đốc HASTC nhấn mạnh.
Luật sư - chuyên gia kinh tế Nguyễn Ngọc Bích cũng nhận định, là người chơi chứng khoán thì phải biết đầu tư chứng khoán có nhiều rủi ro. Nhà đầu tư phải đủ khôn ngoan để đánh giá tình hình, không thể chờ vào các biện pháp ứng cứu.
"Tâm trạng hoang mang của nhà đầu tư lúc này là có thể hiểu được, nhưng tình hình không đến nỗi bi quan như họ nghĩ. Vn-Index sẽ ổn định trở lại", ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đại Việt, vẫn lạc quan.
N. Minh - P. Anh - B. Hường