Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán nhà nước trao đổi với VnExpress.net về một số giải pháp cho thị trường chứng khoán trong năm 2013.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
- Sau một năm đầy sóng gió và biến động mạnh trên thị trường, các chỉ số chứng khoán đi từ đáy lại trở về đỉnh, vậy sang năm 2013, theo ông thị trường chứng khoán sẽ có những diễn biến ra sao?
- Dù đã có những dấu hiệu cải thiện từ cuối năm 2012, tuy nhiên, tôi cho rằng những tháng đầu năm 2013, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Trọng tâm cần giải quyết của kinh tế Việt Nam vẫn phải xoay quanh các vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, những thông điệp phát đi từ đầu năm 2013 của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy các giải pháp tháo gỡ nếu trên đã có hướng xử lý bước đầu, đặc biệt là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho dòng tiền vào bất động sản và không hạn chế tín dụng phi sản xuất. Điều này có thể tạo hiệu ứng tốt cho thị trường chứng khoán. Mặt khác, việc xem xét đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi tín dụng phi sản xuất cũng sẽ hỗ trợ rất tốt huy động vốn của doanh nghiệp và ngay chính cả khu vực ngân hàng thương mại.
- Xin ông cho biết những giải pháp Ủy ban Chứng khoán sẽ triển khai thực hiện, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và thị trường trong năm 2013?
- Hiện Ủy ban Chứng khoán đang báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ để triển khai một số giải pháp cấp bách, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường ngay từ đầu năm 2013. Trong đó, 8 nhóm giải pháp cơ bản được tập trung chính như đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi tín dụng phi sản xuất, xử lý vấn đề phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, nới lỏng tỷ lệ sở hữu khối ngoại trên 49% đối với công ty niêm yết hoạt động trong lĩnh vực ít nhạy cảm, cũng như cơ chế cho phép phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, các giải pháp còn có triển khai những sản phẩm mới của thị trường thông qua cơ chế ưu đãi về thuế sản phẩm mới, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kéo dài thêm ưu đãi thuế đối với thị trường chứng khoán. Một số nghiệp vụ hỗ trợ thị trường như nới biên độ giao dịch, giảm phí lưu ký và nới rộng giao dịch ký quỹ cũng đã được triển khai.
- Quan điểm của ông thế nào khi năm qua hàng loạt công ty chứng khoán rơi vào tình trạng giải thể hoặc kinh doanh thua lỗ liên tiếp?
- Cùng với sự tăng trưởng nóng của thị trường, thời gian qua, số lượng công ty chứng khoán thành lập quá nhanh, trong khi quy mô thị trường chưa phát triển tương xứng dẫn đến cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty. Trong số đó, nhiều công ty đã sử dụng đòn bẩy tài chính thái quá, đồng thời buông lỏng quản trị rủi ro, hệ quả là dẫn đến thua lỗ lớn, thậm chí rơi vào tình trạng phá sản. Đối với những công ty như vậy, tôi cho rằng việc tái cấu trúc là cần thiết nhằm lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức trung gian tài chính.
- Cơ quan chức năng dự kiến hướng xử lý ra sao đối với những doanh nghiệp như vậy?
- Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề ái tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó trọng tâm đặt ra vấn đề phải phân loại các công ty chứng khoán thành 4 nhóm dựa trên những tiêu chí an toàn tài chính, ngoài ra, phải chú ý hơn tới nhóm bị kiểm soát đặc biệt. Cụ thể, đối với nhóm này, sau thời gian bị kiểm soát đặc biệt, nếu không đảm bảo được các quy định về an toàn tài chính và tiếp tục thua lỗ (lỗ lũy kế vượt trên 50% vốn điều lệ) thì phải đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép, giải thể hoặc cho phá sản theo quy định pháp luật.
Để tăng cường công tác giám sát hoạt động đối với các công ty chứng khoán, Bộ Tài chính cũng vừa ban hành bổ sung các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và nghĩa vụ công bố các chỉ tiêu này, qua đó giám sát tình hình sức khỏe các công ty, nhằm phân loại đối tượng quản lý, giúp lành mạnh hóa hoạt động của các doanh nghiệp. Đây được xem như "chìa khóa" góp phần cảnh báo sớm hoạt động của công ty chứng khoán.
- Theo ông, cơ quan quản lý có vai trò thế nào trong việc nâng cao chất lượng thị trường?
- Việc tạo lập một thị trường chứng khoán không phải là vấn đề phức tạp, nhưng chuyện quản lý, giám sát và vận hành nó ra sao để mang lại hiệu quả mới là điều không đơn giản. Việc tạo lập một thị trường hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể tham gia là rất quan trọng.
Do đó, tôi nghĩ cơ quan quản lý phải nâng cao chất lượng quản trị, giám sát để chống những hành vi đầu cơ, thao túng giá cổ phiếu. Ngoài ra, một số sản phẩm có hiệu ứng về thanh khoản cũng cần được tạo ra như việc rút ngắn chu kỳ thanh toán, phát triển các loại lệnh giao dịch, nghiên cứu xem xét đưa vào sử dụng loại hình bán chứng khoán hoàn tất giao dịch. Đây là những điểm tôi nghĩ cơ quan quản lý sẽ phải triển khai thực hiện để tạo ra một cơ chế quản trị tốt, giúp thị trường đạt tính thanh khoản cao.
Tường Vi