Sau tuần qua, Vn-Index tiến thêm 26,45 điểm, tương đương 5,7%. Trung bình mỗi phiên Vn-Index được cộng thêm 5,29 điểm, và sẽ bắt đầu tuần mới từ 483,05 điểm. Tuy nhiên điểm nhấn tuần qua không phải là chứng khoán tiếp tục đi lên mà là khối lượng giao dịch ở mức rất cao.
Đỉnh điểm của sự sôi động rơi vào phiên ngày 16/7 khi khối lượng giao dịch đạt hơn 38 triệu đơn vị, cao nhất từ trước tới nay. Tính chung cả tuần, con số này là 104,44 triệu đơn vị, giao dịch trung bình phiên đạt xấp xỉ 21 triệu đơn vị. Giá trị giao dịch bình quân đạt 726 tỷ đồng.
Đây là tuần giao dịch thanh khoản nhất của chứng khoán Việt Nam sau hơn 7 năm hoạt động. Nếu so sánh tuần qua với một tuần cách đây 1 năm thì lượng giao dịch hiện nay gấp tới gần 5 lần.
Tuần qua chứng khoán có một tuần "siêu thanh khoản" và đang có vị thế của một trong những kênh đầu tư sinh lời cao nhất. Ảnh: Hoàng Hà. |
So với tuần trước đó, số cổ phiếu trao tay tăng khá mạnh 18,4%, giá trị tăng 22,4%.
Cũng như tuần trước, hoạt động giao dịch của nhà đầu tư trong những ngày vừa qua chủ yếu vẫn thông qua giao dịch khớp lệnh, hoạt động này chiếm tới 95% tổng giao dịch thị trường. Lượng còn lại thuộc về giao dịch thỏa thuận.
Nhà đầu tư ngoại vẫn nhường "sân khấu" cho các nhà đầu tư nội. Sau năm ngày giao dịch, tổng mua của khối nước ngoài chỉ khoảng 14 triệu đơn vị, lượng bán cao hơn một chút với 14,6 triệu đơn vị.
Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán nhận định ba phiên cuối tuần qua là ba phiên giao dịch bản lề. Về tính thanh khoản, giao dịch của riêng ba phiên này đã lên tới 82,4 triệu, chỉ kém một chút so với số cổ phiếu được khớp của cả tuần trước. Về giá trị, Vn-Index đã có lúc chỉ cách mốc 500 một phiên tăng, thậm chí Hastc-Index còn làm tốt hơn khi "bước qua" 150 điểm.
Lý giải cho lượng cổ phiếu được sang tên tăng đột biến, ông cho rằng khi hàn thử biểu đã tiếp cận mốc tâm lý quan trọng, sự e ngại liệu Vn-Index có qua mốc này không đã khiến một nhóm không nhỏ các nhà đầu tư đã thận trọng cụ thể hóa lợi nhuận, rút ra khỏi thị trường để chờ đợi những diễn biến tiếp theo.
Chính việc nhóm này bán cổ phiếu đã khiến cán cân cung cầu vốn chênh lệch rõ rệt về bên cầu trong nhiều ngày trước trở nên cân bằng. Từ đó đẩy lượng giao dịch lên mức kỷ lục.
Nhìn nhận về xu hướng tuần tới, vị chuyên gia này cho hay, phiên giảm điểm cuối tuần ngay trước mốc 500 điểm có thể là một lời cảnh báo với các nhà đầu tư. Về giá trị Vn-Index giảm chưa đáng kể nhưng phiên cuối tuần đã xuất hiện dấu hiệu bán tháo tại các mã nhỏ. Các blue chip dù sức mua có mạnh nhưng nếu các mã trung bình và nhỏ đều giảm trong tuần tới thì sẽ rất khó để thị trường duy trì xu hướng tăng.
Tính tới thời điểm này, hàn thử biểu đã tăng tới 22 phiên trong 27 phiên đã qua, chuỗi tăng điểm ấn tượng nhất trong 1 năm trở lại đây. Vị chuyên gia trên cho hay, chuỗi tăng điểm như vậy đã là khá dài, và rất khó có thể lặp lại. Mốc 500 là rất nhạy cảm. Nếu qua được 500 điểm, Vn-Index có thể hướng tới 550. Tuy nhiên, nếu bị chặn tại 500, chứng khoán có thể sẽ điều chỉnh giảm. Vì vậy đây là thời điểm nhà đầu tư cần đánh giá lại xu hướng thị trường, xác định chiến lược đầu tư, và cơ cấu lại danh mục.
Nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý phiên thứ ba 22/7, trong ngày này lượng cổ phiếu khổng lồ gần 38 triệu đơn vị (của ngày 16/7) sẽ về tài khoản của các nhà đầu tư. Nếu chứng khoán giảm trong ngày thứ 2, rất có thể phiên 22/7 sẽ có dấu hiệu xả hàng.
Một nhà đầu tư tại công ty chứng khoán EPS cho biết, điểm đáng chú ý khác trong ba ngày cuối tuần là sự phân hóa rõ rệt của giá cổ phiếu. Các penny chip dường như đã đạt đến mức giá kỳ vọng của các nhà đầu tư, trong khi phần nhiều các blue chip vẫn giữ được sức hấp dẫn của mình.
Nhóm cổ phiếu hấp dẫn nhất vẫn là các cổ phiếu tài chính, ngân hàng với các đại diện tiêu biểu SSI, STB (Hose) và HPC, ACB (Hastc). Riêng SSI đã có phiên tăng trần thứ 19 liên tiếp, giá mã này tăng tới 76% chỉ sau một tháng.
Các cổ phiếu khai khoáng với ba đại diện nổi trội DHA, BMC, LBM (Hose), và MIC (Hastc) cũng tăng rất "miệt mài". Riêng BMC tăng 60% sau một tháng. Theo nhận định của nhà đầu tư trên, trong điều kiện giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhóm cổ phiếu này được cho là sẽ có nhiều thuận lợi và hứa hẹn kết quả kinh doanh quý II khả quan. Mức tăng này vẫn rất khiêm tốn nếu so với MIC khi mã này nhảy vọt 73%.
Cổ phiếu lương thực, thực phẩm như KDC, NKD (2 công ty Kinh Đô miền bắc và nam), FMC, ABT, AGF, VNM đều chững lại so với xu hướng lên của thị trường. Anh cho rằng, thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào của các công ty chế biến đi lên khiến việc làm ăn không suôn sẻ.
Theo anh trong thời gian tới, thị trường sẽ chờ đợi một "cơn mưa" các thông tin lợi nhuận từ gần 300 công ty trên cả hai sàn. Kết quả kinh doanh được công bố chắc chắn sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh của giá cổ phiếu, hứa hẹn nhiều diễn biến mới cho chứng khoán.
Bên cạnh đó, cổ đông của BBT sau một tuần mòn mỏi trông ngóng thông tin từ công ty này sẽ tiếp tục chờ đợi ngày cổ phiếu của mình được giao dịch trở lại.
Mã chứng khoán |
Số phiên giao dịch |
KLGD |
Bình quân |
GTGD (triệu đồng) |
STB |
5 |
13.307.730 |
2.661.546 |
387.625 |
DPM |
5 |
8.662.690 |
1.732.538 |
515.962 |
HPG |
5 |
4.510.950 |
902.190 |
232.484 |
VFMVF1 |
5 |
3.954.380 |
790.876 |
52.884 |
VTO |
5 |
3.941.930 |
788.386 |
73.030 |
Tại sàn Hà Nội, Hastc-Index có diễn biến rất sát với Vn-Index cả về giá trị lẫn khối lượng giao dịch. Ngày 16/7 cũng là ngày siêu thanh khoản của Hastc. Bình quân một phiên lượng cổ phiếu khớp lệnh đạt 9,31 triệu đơn vị, giá trị tương ứng của mỗi phiên là 284 tỷ.
Hastc-Index hiện cao hơn tuần trước 16,68 điểm, tương đương 12,54%. So với người anh em Hose, Hastc-Index đã vượt qua mốc tâm lý 150, tuy nhiên chỉ số này chỉ "thọ" được môt phiên và hiện đang ở mức 149,68 điểm. Theo nhận định của một số nhà đầu tư, sàn Hà Nội có lẽ sẽ nghe ngóng và chờ đợi những diễn biến tốt tại TP HCM mới có thể bứt phá qua ngưỡng 150.
Tổng giao dịch trái phiếu sau 5 ngày qua đạt 46,3 triệu đơn vị, giá trị giao dịch tương đương hơn 3810 tỷ. Như vậy cả về giá trị lẫn tính thanh khoản, hoạt động mua bán trái phiếu tuần này tăng hơn 52% so với tuần trước.
Xuân Hòa