Đến 7h30 (giờ Hà Nội), chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,2%. Topix (Nhật Bản) mất 0,3%, trong khi Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,1%. NZX 50 Index của New Zealand cũng mất 0,2%. Thị trường Hong Kong và Thượng Hải vẫn chưa mở cửa.
Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải hôm qua mất 1,1%. Trong khi đó, Hang Seng China Enterprises Index (gồm các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong) giảm 2%. Các số liệu gần đây cho thấy sản xuất công nghiệp, đầu tư và bán lẻ của Trung Quốc đều dưới dự báo, càng gây áp lực giảm lên đồng NDT vốn đang bị làm yếu.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu hôm qua tăng do USD yếu và dự trữ tại Mỹ tuần trước thấp hơn dự báo. Giá dầu Brent tăng 1% lên 49,66 USD một thùng. Trong khi đó, dầu WTI lên 43,3 USD. Phiên trước đó, thị trường xuống đáy 6 năm do lo ngại tình hình kinh tế Trung Quốc có thể khiến nhu cầu tại đây sụt giảm.
Trong khi đó, cả ba chỉ số chủ chốt của phố Wall hôm qua đều hồi phục, sau phiên giảm mạnh trước đó vì lo ngại kinh tế Trung Quốc. S&P 500 tăng 0,1%, lên trên trung bình trượt 200 ngày. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones gần như đứng yên, còn Nasdaq Composite Index tăng 0,2%. Khoảng 8,3 tỷ cổ phiếu đã được sang tay hôm qua, cao hơn 27% so với trung bình 3 tháng.
Các công ty năng lượng dẫn đầu đà tăng này. Exxon Mobil và Chevron đều tăng hơn 1,1%. Tại nhóm công nghệ, Apple tăng 1,5% và Intel tăng 1,7%. Nhưng nhóm cổ phiếu tài chính lại đi xuống, với Bank of America và JPMorgan Chase đều mất hơn 1,4%.
Chứng khoán Mỹ hôm thứ Ba đã giảm mạnh nhất một tháng, khi Trung Quốc phá giá tiền tệ, làm dấy lên mối lo nền kinh tế lớn nhì thế giới đang trục trặc. S&P 500 đã có phiên đảo chiều đi xuống mạnh nhất từ tháng 10 năm ngoái - giảm 1% sau khi tăng 0,75% hôm thứ Hai.
Động thái của Trung Quốc đã củng cố quan điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hoãn nâng lãi suất tháng tới do rủi ro suy giảm tại nước này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng toàn cầu. Trong khi đó, giá hàng hóa đi xuống lại hạ thấp nguy cơ lạm phát.
Hà Thu (theo Bloomberg/Reuters)