Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) chiều nay mất hơn 3%, xuống đáy một tháng. Đây cũng là mức giảm ngày mạnh nhất kể từ tháng 5/2020. Tính chung cả tuần, chỉ số này đã mất hơn 5% - ghi nhận tuần tệ nhất kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch châm ngòi cho mối lo suy thoái toàn cầu.
Thị trường Trung Quốc đi xuống từ đầu phiên. Shanghai Composite mất 2,12%, Shenzhen Component giảm 2,167%. Hang Seng của Hong Kong chốt phiên giảm 3,64%.
Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 3,99%. Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 2,8%. ASX 200 của Australia giảm 2,35%.
Đà bán tháo hôm nay bị châm ngòi bởi diễn biến trên thị trường trái phiếu. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm nhẹ về 1,53%, sau khi chạm đỉnh một năm tại 1,6%. Tuy vậy, mức này vẫn tăng 0,4% so với đầu tháng - mạnh nhất kể từ năm 2016.
"Lợi suất trái phiếu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Xu hướng này càng tiếp diễn, rủi ro điều chỉnh trên thị trường chứng khoán càng lớn nếu lợi nhuận của doanh nghiệp không thể theo kịp mức tăng của lợi suất trái phiếu", Shane Oliver - Giám đốc chiến lược đầu tư tại AMP cho biết.
Thị trường đang phòng trừ rủi ro Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi sớm, dù giới chức tuần này cam kết sẽ không hành động trong ngắn hạn. Mối lo này đang làm chao đảo các thị trường chứng khoán toàn cầu.
Hôm 25/2, Wall Street cũng bị bán tháo. Chỉ số DJIA mất gần 560 điểm, tương đương 1,8% về 31.402 điểm. S&P 500 mất 2,5%, còn 3.829 điểm, ghi nhận phiên tệ nhất kể từ ngày 27/1. Nasdaq Composite giảm tới 3,5% về 13.119 điểm - tệ nhất 4 tháng.
Hà Thu (theo Reuters)