Chứng khoán Việt Nam đóng cửa tuần này với nhiều tín hiệu lạc quan như VN-Index tăng 3 phiên liên tiếp để trở lại sát ngưỡng 700 điểm và khối ngoại dứt mạch bán ròng. Tuy nhiên, "thành quả" này lại là hệ quả của xu hướng vận động tiêu cực từ đầu năm đến nay.
Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đã mất hơn 33% so với phiên giao dịch đầu năm. P/E thị trường đang xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm, còn khoảng 10,8 lần. Định giá của nhiều mã vốn hoá lớn giảm 30-40% và khiến một số quỹ ngoại phải thốt lên "thị trường đang rẻ một cách bất ngờ".
Các công ty chứng khoán cũng hoài nghi về sự hồi phục trong tuần này. Điển hình như báo cáo của VNDIRECT cho rằng thị trường đang chứng tỏ nỗ lực ngắn hạn khi liên tục chịu sức ép bán quá mức. Chỉ số đi lên, cổ phiếu tăng sốc có thể kích thích lòng tham của những nhà đầu cơ ngắn hạn và dẫn đến những sai lầm nối tiếp.
Trạng thái tích cực vì thế không được các chuyên gia tin tưởng, đặc biệt trong bối cảnh thông tin dễ khuynh đảo thị trường nhất là Covid-19 vẫn rất phức tạp.
Trong các báo cáo cập nhật hồi tháng 2, nhiều nhóm phân tích từng kỳ vọng vào sự phục hồi hình chữ V, tức thị trường sẽ bật lên ngay khi có thông báo dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy quá trình tạo đáy có thể kéo dài hơn và trạng thái hoảng loạn, mất phương hướng có thể trở lại bất cứ lúc nào.
"Với việc VN-Index lao dốc trong ba tháng, thị trường sẽ cần nhiều thời gian hơn để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư", báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam viết.
Trong các kịch bản kinh tế dựa trên giả định Covid-19 đạt đỉnh vào quý III, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước hồi phục nhanh và mạnh mẽ từ đại dịch nhờ lực lượng lao động trẻ và năng động, tiêu dùng nội địa mạnh và không có các bong bóng nợ đáng kể.
Lấy mức trung bình năm ngoái (chiết khấu thêm 20% để phản ánh tâm lý bi quan của thị trường), độ lệch chuẩn P/E và ước tính lợi nhuận trong kịch bản cơ bản, nhóm chuyên gia của công ty này cho rằng VN-Index khép lại năm nay trong vùng 720-840 điểm. Bất động sản và ngân hàng là hai ngành được khuyến nghị tập trung, bởi các đợt "sóng thần" trong lịch sử luôn bắt nguồn từ đây do chiếm tỷ trọng áp đảo về vốn hoá thị trường.
Phương Đông