- Bộ Tài chính đang xây dựng một loạt văn bản pháp luật mới về chính sách thuế đối với chứng khoán nhưng các bản dự thảo chưa đưa ra hướng khắc phục những bất cập hiện nay hành. Ông đánh giá như thế nào?
- Cả 3 loại thuế đang đánh vào lĩnh vực chứng khoán là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đều bộc lộ nhiều bất hợp lý. Các bất cập của chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán đã được các thành viên thị trường kiến nghị tới Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng đến nay chưa được tháo gỡ.
Trong đó, ngoài những bất cập như chưa có chính sách ưu đãi thuế cho các sản phẩm mới như: quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản... sự bất hợp lý và bức xúc nhất phải kể tới các quỹ đầu tư nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam bị đưa vào diện tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thay vì nộp thuế khoán.
Các tổ chức này không cư trú tại Việt Nam, nếu cơ quan quản lý cho rằng, không thể xác định được chi phí trong quá trình đầu tư vào các doanh nghiệp không đại chúng, thì áp dụng hình thức thuế khoán, nghĩa là đánh thuế 0,1% trên phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán là hợp lý. Nhưng thực tế lại đánh 25% trên thu nhập chịu thuế. Nhà đầu tư không được trừ nhiều loại chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đầu tư, nên mức thuế mà họ phải đóng có khi lên đến 50 - 60%.
- Bất hợp lý trên dẫn tới những hệ lụy nào, thưa ông?
- Khoảng 4 năm trở về trước, khi sự phi lý trên chưa xuất hiện rõ nét, có khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty chưa đại chúng, thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tổng giá trị ước khoảng 2 tỷ USD. Nhưng nay, vì sự phi lý của chính sách thuế trên, nên khoản vốn đầu tư này sụt giảm, đồng thời các khoản đầu tư mới gần như không phát sinh.
Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung đang khó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, khi các doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn (là một trong những khó khăn lớn nhất trong hoạt động), thì họ sẽ gặp khó trong kinh doanh, làm giảm doanh thu và lợi nhuận đóng thuế. Ở một góc độ nào đó, thực tế này làm vô hiệu các chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều đáng báo động mà VAFI nhận được từ các nhà đầu tư là chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán đang làm nản lòng họ, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Bởi, đặt trong mối so sánh về lợi thế tham gia đầu tư vào các thị trường trong khu vực, tham gia thị trường Việt Nam, họ đang gặp bất lợi. Nếu những bất cập về thuế, cũng như một số vấn đề liên quan không được tháo gỡ, Việt Nam sẽ đối mặt với những tác động tiêu cực từ dòng vốn ngoại.
- VAFI sẽ làm gì để các bất cập trên sớm được tháo gỡ?
- Khắc phục bất cập của chính sách thuế hiện hành, cùng với tạo ra những ưu đãi thuế hợp lý đối với lĩnh vực chứng khoán là hai chuyện lớn liên quan đến lợi ích quốc gia, chứ không phải là của cục bộ một ngành, một tổ chức nào. VAFI sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp có thẩm quyền. VAFI đang trong quá trình tập hợp thêm ý kiến từ các thành viên, để kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhằm sớm có quan điểm mới về chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán.
Trong đó, điều quan trọng nhất là phải thực hiện chính sách thuế ưu đãi đối với ngành chứng khoán như đối với một số lĩnh vực khác, tránh quan niệm cho rằng, đầu tư vào chứng khoán là đánh bạc, là cuộc chơi của nhà giàu, nên cần đánh thuế thật nặng như hiện hành. Thực tiễn kinh nghiệm thu hút dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán của các nước đã chứng minh quan niệm này là sai lầm.
Phải coi chứng khoán là ngành mũi nhọn, để được hưởng ưu đãi về thuế nhằm phát triển hiệu quả thị trường vốn. Dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán có nhiều rủi ro, nếu bị đánh thuế cao, các dòng vốn này sẽ dần chậm lại, làm doanh nghiệp khó huy động vốn, hệ thống nhà đầu tư tổ chức trong nước ngày càng suy yếu.
Theo ĐTCK