Thị trường chưa phát đi tín hiệu cho đợt hồi phục mới. Tâm lý nhà đầu tư hiện nay đó là tạm thời đứng ngoài thị trường, chờ thêm tín hiệu trong phiên sắp tới để có quyết định hợp lý nhất.
Tính đến ngày 28/7, đã có 608/702 công ty công bố báo cáo tài chính quý II. Trong khi các doanh nghiệp bất động sản và hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khiêm tốn, thì các doanh nghiệp lớn trên sàn tự tin với mức lợi nhuận tăng trưởng cao.
Có thể kể đến những cái tên như Vinamilk (lợi nhuận sau thế là 2.753 tỷđồng, tăng 32% so với cùng kỳ), Vincom (1.349 tỷ đồng, tăng 341%), công ty Đạm Phú Mỹ (1.933 tỷ đồng, tăng 42%). Bất chấp những khó khăn vĩ mô và môi trường kinh doanh thiếu ổn định, các blue-chips đã chứng tỏ sức mạnh nội lực của mình.
Bên cạnh những điểm sáng trên thị thường, có ít nhất 84 công ty báo lỗ trong quý II này. Nhóm ngành xuất hiện nhiều trong danh sách công ty thua lỗ vẫn là vận tải đường thủy và xây dựng. Mặc dù mỗi doanh nghiệp có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng nhìn chung, sức tiêu thụ của thị trường giảm là nguyên nhân chính đưa đến kết quả doanh thu giảm. Mức lỗ từ 5-10 tỷ đồng đối với các công ty nhỏ và vừa là khá phổ biến.
Bức tranh kết quả kinh doanh quý II mặc dù được đánh giá là khá rõ nét, nhưng tâm lý của các nhà đầu tư vẫn khá bất an vì dường như thị trường đang thiếu một điểm tựa. Sóng cổ phiếu vừa mới nổi cách đây một tuần đã chìm. Các công ty có lãi nhưng không hẳn vì vậy mà các mã cổ phiếu đó “xanh”.
![]() |
Chứng khoán chực chờ bán ra. Ảnh minh họa. |
Bản danh sách các công ty lỗ càng công bố thì các mã cổ phiếu càng giảm và thậm chí là giảm sàn nhiều phiên liên tiếp. Sức cầu trong thời gian gần đây đối với các cổ phiếu blue-chips chỉ luôn duy trì ở mức tương đối, trong khi đó lực bán vẫn rất mạnh. Thêm vào đó, thông tin về cổ phiếu tháng 7 vừa được công bố ở mức âm lại càng làm cho giới đầu tư mất thêm một điểm tựa về niềm tin về một sự phục hồi của kinh tế, của các doanh nghiệptrong bối cảnh hàng tồn kho ngày càng “chất đống”.
Trước bối cảnh ảm đạm của thị trường, hầu hết các ý kiến của các công ty chứng khoán cho rằng nhà đầu tư nên bán bớt cổ phiếu, thậm chí thanh lý hết danh mục để giảm rủi ro trong giai đoạn hiện nay.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS) cho rằng, các thông tin về kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp niêm yết đã được phản ánh gần hết vào diễn biến giá cổ phiếu, trong khi các chính sách mới trên phương diện kinh tế vĩ mô hiện cũng mới chỉ dừng lại ở những lời phát biểu của các nhà điều hành và “kỳ vọng” của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, tâm lý đa số nhà đầu tư lại quay lại trạng thái thận trọng, chờ đợi những yếu tố mới và diễn biến thị trường từ đó cũng trở nên cân bằng hơn. BVS cho rằng, việc mua mới tại các nhịp hồi phục tới tiềm ẩn rủi ro T+4 rất cao và đưa ra lời khuyến nghị các nhà đầu tư nên bám theo xu hướng chính, tranh thủ để giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ.
Hay như cổ phiếu chứng khoán Woori nhận định tình hình nợ xấu của các ngân hàng gia tăng đột biến, cùng với sự e ngại về tình trạng giảm phát do cổ phiếu âm dẫn tới sức cầu của nền kinh tế giảm sút, đã khiến tâm lý của đại đa số các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Do đó, có khả năng thị trường vẫn cần một thời gian tích lũy nữa mới có thể gia tăng trở lại. Và trong trường hợp xấu, khi thị trường chỉ ngừng nghỉ một số phiên và sau đó giảm mạnh qua đáy cũ thì nhà đầu tư nên bán toàn bộ cổ phiếu trong danh mục để bảo toàn vốn.
Biến động giá nhỏ, chỉ số đóng cửa gần mức thấp nhất kèm thanh khoản yếu cho thấy động thái chờ đợi của nhà đầu tư trên thị trường. Thống kê cung cầu trong các phiên vừa qua, tuy chỉ số giảm điểm nhưng tương quan cung cầu khá cân bằng khi chênh lệch dư mua và dư bán không lớn; điều này cho thấy thị trường đang ở vùng khá nhạy cảm. Với các nhà phân tích, dự báo về xu thế của thị trường đang có nhiều ý kiến khác nhau, trong số đó thái độ thận trọng chiếm tỷ lệ nhiều hơn là lạc quan. Hình ảnh thanh khoản chỉ bùng nổ được vài phiên rồi lại giảm mạnh đã phần nào chứng minh dòng tiền vẫn loanh quanh bên ngoài thị trường.
Thêm vào đó, dòng vốn ngoại vẫn chưa cho thấy được chảy vào thị trường trong thời gian sắp tới. Theo thống kê của Thomson Reuters, tháng 7 này, nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu ngừng lại chuỗi bán ròng trong suốt quý II. HNX cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trên thị trường trái phiếu, nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch mạnh mẽ với giá trị giao dịch lên tới 20% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Song cũng có ý kiến cho rằng, hiện tượng trên chỉ là động thái tạm ngừng bán ròng của nhà đầu tư ngoại, chứ chưa thể chắc chắn dòng tiền đang quay trở lại thị trường. Tạm thời sẽ chấm dứt chuỗi bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Đây chỉ là điểm sáng tích cực, cho thấy thị trường đang chịu ít đi những sức ép hơn mà thôi, chứ chưa thể thành xu hướng.
Đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa nhìn thấy các chính sách mạnh mẽ để thu hút vốn ngoại, mặc dù phải thừa nhận là chứng khoán Việt Nam đã rất rẻ. Khi chưa thấy Chính phủ phát đi tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ về việc thu hút vốn ngoại vào thị trường, thì ngay cả những nhà đầu tư cũ cũng chán nản. Các nhà đầu tư đang cố bám trụ thị trường, nhưng chờ đợi mãi mà không thấy chính sách gì để tạo thanh khoản cho thị trường, trong khi tài sản thì cứ teo tóp dần do giá cổ phiếu giảm, sẽ thất vọng và ra đi.
(Theo Lao động)