"Không phải là động lực chính, nhưng các cam kết WTO đang tác động mạnh đến sự phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam", đó là nhận xét của Paul Backer, chuyên gia Châu Âu thuộc Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP 2) tại hội thảo Thị trường chứng khoán Việt Nam thời hội nhập và phát triển, diễn ra ở TP HCM tuần trước.
Ông Paul Backer cho rằng, trong các dịch vụ tài chính như ngân hàng và bảo hiểm, chứng khoán ít bị thúc đẩy nhất bởi WTO. Tuy nhiên các cam kết với Tổ chức thương mại thế giới đã và sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam dễ dàng hơn trong việc di chuyển vốn, loại bỏ các khâu trung gian không cần thiết, giảm bớt chênh lệch trong giao dịch xuống 5 thay vì 500 điểm như hiện nay. Các giao dịch cũng sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.
![]() |
Sau phiên giao dịch, không ít nhà đầu tư vẫn nán lại bàn luận. Ảnh: P.A. |
Thực hiện cam kết WTO về dịch vụ đối với thị trường chứng khoán: - Đối với công ty quản lý quỹ có những quy định riêng như công ty mẹ hay bên góp vốn liên doanh phải có kinh nghiệm quản lý quỹ tối thiểu 2 năm. Tổ chức nước ngoài quản lý tổng lượng vốn và tài sản ít nhất 2 tỷ USD trong năm gần nhất. - Đối với công ty 100% vốn nước ngoài tham gia chứng khoán với các điều kiện như công ty trong nước. Chưa có quy định nào về thời hạn tham gia nên sẽ thực hiện theo lộ trình cam kết WTO. - Trên thị trường chứng khoán tập trung, bên nước ngoài được tham gia 49% cổ phiếu niêm yết và không hạn chế đầu tư trái phiếu. Nếu góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam, phía nước ngoài được sở hữu tỷ lệ 30% vốn điều lệ doanh nghiệp. Ngân hàng nước ngoài cũng được tham gia 30% vốn điều lệ ngân hàng Việt Nam. (Nguồn: Ban Pháp chế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước) |
Chuyên gia này cũng thừa nhận, các mối lo ngại về việc quản lý thị trường bong bóng chứng khoán Việt Nam hiện nay là chính đáng, đặc biệt đối với các nhà đầu tư dễ bị tổn thương. Song bất chấp sự chưa ổn định của chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn lao vào để tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Trưởng đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước tại TP HCM Bùi Nguyên Hoàng cũng dự báo trong năm nay, triển vọng gia tăng đầu tư gián tiếp vào thị trường này mở rộng nhờ chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp được đẩy mạnh, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự báo này cũng căn cứ vào thực tế năng động và phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân, cũng như tình hình sôi động của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
"106 công ty đã niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM, 87 công ty lên sàn Hà Nội, tính đến cuối năm ngoái. Năm nay, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng với nhiều công ty lớn tham gia niêm yết", ông Hoàng ước lượng. Dự kiến, sẽ có 4 quỹ đầu tư nữa được thành lập và tham gia vào thị trường chứng khoán, nâng quy mô đầu tư lên xấp xỉ 3 tỷ USD.
Hiện có 27 quỹ đầu tư nước ngoài, 23 quỹ đầu tư chứng khoán đã đổ tiền vào thị trường mới mẻ này của Việt Nam. Gần 50 tổ chức đầu tư khác kinh doanh theo hình thức ủy thác. 440 triệu USD từ chứng khoán cũng đã được tái đầu tư lại thị trường bất động sản, kéo lĩnh vực kinh doanh này ra khỏi tình trạng đóng băng vốn tồn tại từ hơn 2 năm nay.
Công việc gấp rút hiện nay của nhà nước là xây dựng chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn hậu gia nhập WTO.
Theo ông Hoàng, Ủy ban chứng khoán nhà nước đang hoàn thiện hệ thống pháp lý quản lý thị trường vốn gắn với thực hiện các cam kết WTO. Trong đó bao gồm các chính sách về thuế, luật điều chỉnh đầu tư gián tiếp nước ngoài, luật về thị trường chứng khoán, các quy định pháp lý nhằm bảo vệ nhà đầu tư, chế độ quản lý ngoại hối liên quan đến tự do hóa tài khoản vốn...
Phan Anh