Đối với nhiều nhà đầu tư, việc kinh doanh các cổ phiếu chưa niêm yết trên thị trường OTC là một hoạt động đầu tư không kém phần quan trọng, thậm chí còn hấp dẫn hơn hoạt động đầu tư các cổ phiếu niêm yết. Tuy nhiên, giao dịch cổ phiếu OTC vốn dĩ mang tính tự phát, chưa được tổ chức và kiểm soát bởi bất cứ một cơ quan quản lý nhà nước nào nên vẫn ẩn chứa rất nhiều rủi ro, đặc biệt các rủi ro liên quan đến quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu và các quyền liên quan đến quyền sở hữu cổ phiếu. Vì vậy, nhu cầu có được một tổ chức có uy tín đứng ra làm trung gian trong vấn đề chuyển nhượng cổ phiếu OTC ngày càng trở nên cấp thiết.
Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều công ty chứng khoán đã triển khai dịch vụ “Quản lý sổ cổ đông và hỗ trợ thủ tục chuyển nhượng” nhằm chuẩn hoá các giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu OTC giữa người mua và người bán. Thực chất dịch vụ này có mang đến những đảm bảo hay lợi ích thiết thực cho người mua và người bán hay không, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Nguyễn Hồng Mai, Tổng Giám Đốc Công ty CP Chứng khoán Âu Lạc xung quanh vấn đề này.
![]() |
Bà Nguyễn Hồng Mai. |
- Thưa bà Nguyễn Hồng Mai, là một trong số các công ty chứng khoán triển khai dịch vụ “Quản lý sổ cổ đông và hỗ trợ thủ tục chuyển nhượng” cho cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết, xin bà cho biết vài nét nổi bật của quy trình thực hiện việc chuyển nhượng của các cổ phiếu OTC mà Công ty CP Chứng khoán Âu Lạc đang áp dụng?
- Công ty CP Chứng khoán Âu Lạc đang cung cấp dịch vụ “Quản lý sổ cổ đông và hỗ trợ thủ tục chuyển nhượng” cho một số loại cổ phiếu OTC. Thực chất dịch vụ này bao gồm các công việc như hỗ trợ tổ chức phát hành quản lý danh sách cổ đông, lập danh sách thực hiện các quyền liên quan đến quyền sở hữu cổ phiếu khi có yêu cầu, và đặc biệt là hỗ trợ các bên trong quá trình thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu. Để thực hiện dịch vụ này một cách chuyên nghiệp và chặt chẽ, chúng tôi đã ban hành “Quy trình chuyển nhượng cổ phiếu” trong đó nêu rõ thủ tục chuyển nhượng, các loại giấy tờ cần thiết khi chuyển nhượng và các nguyên tắc áp dụng khi làm thủ tục chuyển nhượng.
Theo quy trình này, ngoài những giấy tờ bắt buộc như: bản gốc tờ cổ phiếu (hoặc sổ cổ đông), hợp đồng mua bán (theo mẫu do Công ty CP Chứng khoán Âu Lạc hướng dẫn), đơn xin đăng ký chuyển nhượng, chúng tôi còn yêu cầu người mua và người bán xuất trình CMND bản gốc. Mục đích của thủ tục này là nhằm đảm bảo người thực hiện hành vi bán cổ phiếu thực sự là người sở hữu số cổ phiếu. Ngoài ra chúng tôi cũng yêu cầu người mua và người bán thực hiện việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng trước mặt nhân viên của chúng tôi để tránh tình trạng một trong hai bên phủ nhận chữ ký của mình trên các văn bản liên quan. Sau khi kiểm tra số lượng cổ phiếu được chuyển nhượng xem có hợp lệ không (có thuộc diện hạn chế chuyển nhượng hay không? Đã đăng ký chuyển nhượng cho người khác hay chưa?...), chúng tôi sẽ thu hồi tờ cổ phiếu hoặc sổ cổ đông bản gốc và cấp cho các bên liên quan giấy biên nhận. Thủ tục này rất quan trọng vì nó sẽ làm triệt tiêu khả năng một người đem cùng một lượng cổ phiếu đi bán cho nhiều người. Sau đó, chúng tôi sẽ chuyển bộ hồ sơ này cho tổ chức phát hành để chính thức xác nhận việc chuyển nhượng.
Mặc dù quy trình này không do các cơ quan nhà nước yêu cầu nhưng là một quy trình khá chuẩn mực, được nhiều công ty chứng khoán khác áp dụng như một thông lệ trên thị trường. Những tổ chức phát hành lớn như ACB, Sacombank (trước khi niêm yết), Mai Linh, Bảo Việt… cũng đã và đang áp dụng quy trình này.
- Vậy Bà có thể cho biết cụ thể đâu là lợi ích của người mua và người bán khi sử dụng dịch vụ này?
- Khi đưa ra bất kỳ loại hình dịch vụ nào, chúng tôi luôn nghĩ tới những lợi ích mà khách hàng đạt được.
Trên thị trường OTC vẫn có một số người chưa thật sự nắm rõ những nghĩa vụ và quyền lợi mà người mua được hưởng sau chuyển nhượng, đặc biệt quyền hưởng cổ tức hay cổ phiếu thưởng sau chuyển nhượng. Trong trường hợp dịch vụ này, chúng tôi cung cấp cho hai bên mua và bán (bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng) hợp đồng mẫu trong đó có các điều khoản liên quan được nêu sẵn để cho người mua và người bán dễ thoả thuận, tránh những tranh chấp không cần thiết sau này.
Nói về người mua, tâm lý “tiền trao cháo múc” gây lo ngại khá lớn, vì họ không dám chắc rằng sau khi giao tiền thì có được nhận quyền sở hữu cổ phiếu hay không và liệu cổ phiếu đó có đúng với thoả thuận mua bán hay không. Vì vậy, với xác nhận của Công ty CP Chứng khoán Âu Lạc về việc đã nhận đủ hồ sơ chuyển nhượng hợp lệ và chứng kiến chúng tôi thu hồi bản gốc cổ phiếu (hoặc sổ cổ đông), đồng thời làm Giấy hẹn cho người mua, người mua sẽ cảm thấy an tâm hơn.
- Không loại trừ yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ nhân viên thực hiện các giao dịch này? Công ty CP Chứng khoán Âu Lạc làm thế nào để kiểm soát tính trung thực của nhân viên mình?
- Ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty CP Chứng khoán Âu Lạc đã luôn đề cao vấn đề đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của nhân viên. Chúng tôi luôn phấn đấu đạt được mục tiêu này không chỉ bằng những lời nói suông mà còn bằng những quy định nghiêm ngặt, quy trình chi tiết và các thủ tục thanh kiểm tra nội bộ. Mặc dù, sai sót cũng sẽ xảy ra lúc này lúc khác, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng với hệ thống quy định, quy trình nội bộ mà chúng tôi ban hành, các sai lầm nghiêm trọng sẽ được ngăn chặn.
- Với tư cách là đại diện cho một trong những công ty tư vấn dịch vụ chứng khoán chuyên nghiệp, Bà có lời khuyên nào với riêng những người tham gia giao dịch mua và bán cổ phiếu OTC để tránh rủi ro đến mức thấp nhất?
- Hiện nay, một số nhà đầu tư lựa chọn cách tự mình thoả thuận và giải quyết các giao dịch để trách những thủ tục mà họ cho là rườm rà và để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, các tranh chấp xảy ra sau chuyển nhượng (nếu có) sẽ tiêu tốn của họ nhiều thời gian hơn họ nghĩ để giải quyết vụ việc êm đẹp, chưa kể đến việc mất nhiều thời gian nhưng “tiền vẫn mất tật vẫn mang”.
Trước khi thị trường OTC được đưa vào quản lý một cách chính thức, việc chuyển nhượng cổ phiếu OTC, theo tôi, nên được làm thông qua một công ty chứng khoán. Lý do thứ nhất là các công ty chứng khoán khi đưa ra dịch vụ hỗ trợ này đều có những quy trình rõ ràng, hợp lý và được thống nhất với tổ chức phát hành, đảm bảo các thủ tục chuyển nhượng đều được giám sát và đối chiếu không chỉ bởi các bên trực tiếp tham gia sự việc mà ngay cả các bên liên quan (ví dụ: tổ chức phát hành). Lý do thứ hai, các công ty chứng khoán đều nỗ lực xây dựng uy tín cho mình, nên lẽ tất nhiên là các dịch vụ này sẽ được thực hiện với trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Tôi không tin là các công ty chứng khoán có thể đặt tiền đồ của công ty mình nhẹ hơn những lợi ích ngắn hạn khác.