Các căn hộ tầng trệt bị ngập nước bẩn. Chất thải chảy tràn lan thay vì theo đường ống đi xuống hầm vệ sinh… Đặc biệt hệ mái fibrô ximăng đã bị hư hỏng, các đòn tay lợp mái oằn xuống. Khi mưa nước chảy tràn vào các căn hộ làm hư luôn trần nhà bằng ván ép.
Ban quản trị chung cư đã nhiều lần báo cho chủ đầu tư về tình trạng tồi tệ này, nhưng đến nay họ vẫn không cho sửa chữa. Do vậy, mức độ hư hỏng ngày càng lớn và nhiều căn hộ tầng trệt không còn sử dụng được nữa.
Việc xây dựng chung cư này có khá nhiều đơn vị tham gia nhưng chủ đầu tư chính là Công ty xây dựng kinh doanh nhà và thang máy. Chủ đầu tư đã mời các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát thi công... để họp bàn biện pháp sửa chữa. Thế nhưng một trong các đơn vị đó là Công ty Xây dựng và kinh doanh nhà Gia Định lại gửi văn bản đến cho rằng “chúng tôi không còn trách nhiệm trong công tác sửa chữa bảo hành công trình” (đơn vị này nhận thầu thi công xây lắp đơn nguyên A2 của chung cư) vì đã thi công hoàn thành và đã được nghiệm thu, bàn giao từ tháng 12/1995.
Sở Xây dựng TP HCM đã có văn bản lưu ý: “Dù công trình đã hết hạn bảo hành nhưng những hư hại gây ra có nguyên nhân từ trước đó làm giảm tuổi thọ và gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động bình thường của công trình thì trách nhiệm của các bên vẫn còn. Các đơn vị cần tự giác thực hiện để khắc phục ngay sự xuống cấp”.
Thực tế, khái niệm bảo hành, bảo trì công trình quy định trong các văn bản của Bộ Xây dựng chưa được rõ ràng dẫn đến sự ngộ nhận về trách nhiệm. Và cũng không ít trường hợp lợi dụng sự nhập nhằng của khái niệm này để từ chối trách nhiệm của mình như trường hợp chung cư Huỳnh Văn Chính II.
(Theo Tuổi Trẻ)