Thứ sáu, 11/10/2024
Thứ tư, 14/7/2021, 00:00 (GMT+7)

Chung cư cũ nguy hiểm chờ ngày cải tạo

Hà NộiNhiều chung cư cũ trên 40 năm xuống cấp, nhưng việc di dời, cải tạo, xây mới gặp nhiều khó khăn.

Một góc khu chung cư cũ tại phường Thành Công, quận Ba Đình, với hàng chục dãy nhà. TP Hà Nội hiện có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập. Đến nay, 32 chung cư cũ được cải tạo, xây mới. Trong đó, 18 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; 14 dự án đang triển khai.

Thành phố còn 179 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (xếp hạng C và D); phần lớn được xây dựng từ năm 1960 đến 1994, thậm chí trước năm 1954, nằm ở các quận nội thành.

Khu nhà G6A nằm trên mặt đường Nguyên Hồng, phường Thành Công, quận Ba Đình, gồm 5 tầng, có 3 đơn nguyên, trong đó hai đơn nguyên 1 và 2 được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D; đơn nguyên 3 cấp C. Khu nhà được đưa vào sử dụng từ năm 1987 có khe hở hình chữ "V" xuất hiện nhiều năm nay.

Nhiều nhà dân cơi nới "chuồng cọp" làm thay đổi kết cấu chịu lực, khiến khu tập thể G6A trở nên nhếch nhác và mất an toàn.

Một biển báo gắn tại lối vào chung cư để cảnh báo người dân về tình trạng xuống cấp và mức độ nguy hiểm.

Tường cầu thang chung cư G6A ngả vàng, ẩm mốc, bị bong tróc thành nhiều mảng.

Lo sợ sự xuống cấp, một số hộ gia đình đã dời đi, các căn hộ bỏ trống được khóa trái để đảm bảo an ninh.

Cách khu chung cư cũ Thành Công hơn một km, khu A Ngọc Khánh, phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, được xây dựng từ năm 1985 cũng xuống cấp nghiêm trọng.

Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh được cơ quan kiểm định đánh giá nguy hiểm cấp độ D, các hộ dân cần được di dời.

Tại chung cư này, hầu hết tường trần bị bong tróc để lộ những mảng bê tông ẩm mốc.

Tập thể C8 Giảng Võ được xây dựng từ những năm 1975-1980. Toàn bộ hành lang từ tầng 1 đến 5 được gia cố tạm bằng những dầm thép suốt 10 năm nay.

Một số hộ dân vẫn bám trụ ở chung cư cũ dù biết nguy hiểm chia sẻ, họ "ở đây đã 20-30 năm quen rồi", công việc mưu sinh và con cháu đều ở trên phố, nếu di dời tái định tới khu Pháp Vân cách trung tâm hơn 10 km sẽ bất tiện trong cuộc sống. Nhiều người thắc về việc xử lý căn hộ là tài sản của họ như thế nào trong quá trình cải tạo chung cư cũ.

Lo sợ nguy hiểm, nhiều hộ dân ở khu tập thể C8 Giảng Võ đã di dời, bỏ lại những căn hộ trống trơn, ẩm mốc.

Hà Nội đã lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ do Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh làm trưởng ban. Trong đề án tổng thể về cải tạo chung cư cũ tới đây, Hà Nội dự kiến phân loại chung cư, tập thể cũ thành 3 nhóm, thiết kế chính sách riêng cho từng nhóm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngọc Thành