Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, thông tin như trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, sáng 2/8.
Chỉ số lây nhiễm virus ở đợt dịch lần này là 5 - 6, trong khi lần trước từ 1,8 đến 2,2. Bên cạnh đó, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng. Còn đợt này, thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây.
Theo ông Long, lần này tỷ lệ F2 bị nhiễm nCoV cũng nhiều. Trong khi đó, từ 1/7 đến nay nhà chức trách xác định có khoảng 1,4 triệu người đến, đi từ Đà Nẵng và các bệnh viện ở đây.
"Tâm dịch lớn nhất là ở cụm Bệnh viện tại Đà Nẵng với 800.000 người đi qua khu vực này và 42.000 người từng đến đây chữa bệnh. Tới đây, chúng ta sẽ phát hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác", ông Long nói.
Những ngày qua, Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp, tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Đà Nẵng, lập bộ phận thường trực đặc biệt... để tập trung chống dịch nhằm nhanh chóng kiểm soát được tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong. Tuy nhiên, ông Long lưu ý, các địa phương và lực lượng khác phải đồng hành vào cuộc cùng ngành y tế.
Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế như GS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng), PGS Lê Quang Cường (nguyên Thứ trưởng Y tế), nhận định những ngày gần đây công tác điều tra, khoanh vùng dập dịch cũng như tinh thần chống dịch ở các địa phương đã được nâng cao. Nhiều địa phương đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm với những người nguy cơ; tạm thời cho thấy chưa có trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng ngoài Đà Nẵng.
Tuy nhiên, chuyên gia lưu ý dịch bệnh có đặc thù diễn biến âm thầm, do vậy cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt, người dân phải thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch trong trạng thái "bình thường mới" như đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người...
Theo các chuyên gia y tế, điểm nổi bật trong phòng chống dịch những ngày qua là dồn lực để xử lý những điểm nóng, tuy nhiên, cần chú ý đến nền dự phòng bởi "mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch", nhưng hiện nhiều người có biểu hiện chủ quan.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nêu quan điểm so với diễn biến ổ dịch Bạch Mai (Hà Nội), số ca mắc nCoV ở Đà Nẵng tăng nhanh hơn trong một thời gian ngắn; dịch bệnh từ đây đã lây ra một số tỉnh thành... Do đó, ông đề xuất giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các địa phương trong triển khai biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn.
Các chuyên gia y tế đồng tình cần giao trách nhiệm cụ thể cho Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vấn đề như quy định huyện có nguy cơ cao; áp dụng biện pháp giãn cách xã hội; dừng lễ hội, hoạt động nhà hàng, quán bar...
Trước diễn biến nhanh của dịch bệnh, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Quân y, Bộ Quốc phòng, cho biết thời gian qua quân đội đã tăng cường nhân lực, vật lực vào Đà Nẵng phối hợp cùng lực lượng khác chống dịch.
Ông đề nghị Đà Nẵng rà soát, phân loại để cho phép cách ly F1 (người tiếp xúc với ca dương tính nCoV) tại nhà nếu đủ điều kiện; khu vực dân cư nào có nhiều F1 thì phong tỏa toàn khu; sớm lấy mẫu F1 để xét nghiệm; khẩn trương hoàn thành bệnh viện dã chiến để điều trị ca bệnh nhẹ.
Đến chiều 2/8, Việt Nam ghi nhận 590 ca dương tính nCoV, trong đó 5 người tử vong, 212 người đang điều trị, 373 người được chữa khỏi.