Một ngày nào đó, tôi có thể sẽ quên đi hình dáng chiếc áo mẹ từng mua, cái lồng đèn ông sao ba làm trong dịp tết trung thu; có thể sẽ quên đi mùi vị trái ổi rừng anh hái cho, mỗi bận đi chăn bò về… Nhưng không bao giờ tôi có thể quên những ngày đoàn viên trong căn nhà có ba, má và tám anh chị em chúng tôi.
Quãng thời gian ấy, đối với tôi là cả một vùng trời bình yên và hạnh phúc. Sau những ngược xuôi sớm tối của ba má là hạnh phúc tròn đầy trong niềm vui áo mới cuối năm của chúng tôi. Cho nên Tết cổ truyền không phải chỉ là thuần lệ của dân tộc, mà mỗi dịp Tết đến xuân về còn mang theo những khối màu đẹp đẽ tô vẽ nên bức tranh cuộc đời của anh chị em chúng tôi.
Nhớ lại những năm về trước, khi tôi còn là đứa bé gái nhỏ lớp 3, lớp 4. Tôi đã biết đứng ngoài cửa sổ lớp học của em trai nhìn vào, để nó không vì sợ sệt mà khóc nhè đòi má. Lớn hơn một chút, tôi biết ngày hai buổi, sáng đi học đến trưa về phụ anh đội phênh bánh tráng đi phơi. Và lớn hơn nữa, tôi biết tự tay nấu những bữa cơm thường nhật, phụ má nấu mâm cúng của gia đình, biết trải lá chuối gói đòn bánh tét ngày tết cùng má… Tất cả việc tôi làm được đều là do ba má và các anh chị tôi đã từng làm thuở tôi còn bé xíu. Và cho đến giờ, hồi ức tuổi thơ tôi đọng lại ngọt ngào bên khuôn bánh thuẩn của má, bên nhành mai rừng của ba, bên những dịp cuối năm đầu xuân gọi là Tết từ độ tôi chào đời.
Ngày nhớ!
Mỗi tối ba mươi khi pháo hoa trên ti vi lịm dần tiếng đùng đoàng là lúc má đã chuẩn bị tươm tất mâm cỗ giao thừa cho ba tôi hành lễ lạy tạ ông bà, đón chào năm mới. Má sẽ tiếp cùng ba đốt giấy vàng mã cho tổ tiên họ Đặng nhà tôi.
Trong ánh lửa nhỏ giữa đêm khuya ấy là ánh nhìn quan sát cố gượng cơn thèm ngủ của thằng út em tôi. Ngày chị em chúng tôi còn nhỏ, mỗi tối giao thừa thức cùng ba má chưa phải vì để chứng kiến thời khắc trân quý của năm, chưa phải vì xúc cảm đoàn viên hạnh ngộ, chưa phải vì hơi thở nhẹ nhàng, thanh thản sau một năm nỗ lực cố gắng, mà chỉ vì túi lì xì khích lệ của ba má, vì thứ cảm giác thông lệ quen thuộc. Ở nhà tôi, đứa con nào thức đón giao thừa cũng đều được ba má thưởng hai bao lì xì.
Sau những thời khắc thiêng liêng đó, giấc ngủ đến với anh em tôi thật nhanh và nôn nóng. Chúng tôi nôn nóng ngủ liền để trời sáng thật mau, ngủ liền để được sớm mặc quần áo mới, ngủ liền để sớm tiếp thêm tiền lì xì buổi tinh mơ của ba má.
Ngày ấy, hai bộ đồ bộ vải kate là niềm hân hoan vui sướng của chị em chúng tôi. Tôi sẽ không thể quên những ngày trước tết ba cùng hai anh đi tảo mộ từ ban sáng, còn ba mẹ con chúng tôi thì chăm chỉ sau bếp sửa soạn mâm cúng rước ông bà. Hai đứa em tôi lúc ấy có lẽ đã hốt cát sạch ở sông về phơi thay bụng lư đồng rồi. Các anh khác của tôi, mỗi người một tay đưa nhành mai rừng sau hè vào nhà.
Những ngày này, mạng nhện, bồ hóng trên trần nhà đã được chị em tôi quét dọn sạch sẽ; chăn mền quần áo đã được giặt giũ thơm tho chờ tối ba mươi đem ra là ủi thẳng thớm; bộ lư đồng đã được anh tôi kỳ công cả buổi sáng đánh bóng sáng choang; bánh tét đã được mấy mẹ con lo gói gém từ chiều hôm trước.
Trong nhà tôi, má đã trữ sẵn nhiều ràng bánh tráng, một nồi măng kho, có cả một thùng bánh thuẩn (loại thùng mì tôm), một thùng bánh in, mứt dừa, dưa món mà mấy mẹ con hì hục làm tận những ngày hăm hăm.
Đối với người nhà nông như ba má tôi, mỗi độ xuân về Tết đến là dịp lắm chi tiêu. Ba má tôi phải tính toán, chắt bóp từ nhiều tháng trước mới dư giả lo liệu dịp Tết cổ truyền này, và lo liệu cho niềm hạnh phúc cho những đứa con nhỏ. Chị em chúng tôi hiểu lắm những bữa cơm mắm quẹt dừa kho lúc mùa vụ chưa tới, lúc chị em chúng tôi đứa đau, đứa ốm. Cho nên, anh chị em chúng tôi trân quý lắm những bộ đồ, đôi dép, cái mũ má sắm cho. Hạnh phúc lắm khi nhận giấy bạc mệnh giá 2000 đồng lì xì của ba má. Cảm ơn ba má dù bộn bề những lo toan cơm áo cho chúng con vậy mà chưa bao giờ để anh chị em chúng con thiếu Tết, quên Tết, thờ ơ với Tết.
Sáng mồng một mong đợi, sau bữa cơm sáng là lúc anh chị em chúng tôi hồ hởi thay quần áo mới trong cái nhoẽn miệng cười mãn nguyện của ba má. Chúng tôi lần lượt được nhận tiền lì xì may mắm đầu năm của má trong lúc ba đang thắp nhang trên các trang thờ của gia đình. Và chúng tôi rời khỏi nhà, cùng đi viếng mộ tổ tiên, cùng đi chúc tết ông bà, thăm cô, dì, chú, bác. Đối với anh chị em chúng tôi đó là những khoảnh khắc hạnh phúc ngọt ngào, những buổi tụ tập vui chơi cùng anh chị em họ hàng, những lúc đi vui hội xuân lô tô, những que kem xanh đỏ được mua bằng tiền lì xì… tất cả là tuổi thơ tôi, là lối về trọn vẹn của tôi.
Và hôm nay, khi chúng tôi, những đứa con của ba má đã lớn.
Tôi đã sống xa nhà 5 năm từ ngày rời quê vào thành phố học tập, đến khi làm việc ở nơi xa nhà 350 km và mỗi năm được về nhà 3, 4 lần là quý lắm với cả tôi và ba má. Các em tôi cũng lần lượt học xa nhà như chị gái chúng nó. Hai anh trai đầu của tôi đều đã lập gia đình và rời mái nhà của ba mẹ, tạo dựng tổ ấm nhỏ của chính mình. Người chị gái duy nhất của tôi cũng vừa nhận được sự chu toàn của ba má khi về làm dâu, làm con nhà người trong ngấn lệ dõi theo của má lúc hình ảnh đoàn nhà trai nhỏ dần, nhỏ dần trong nắng gió. Và năm nay là cái tết đầu tiên xa nhà của chị, khi trở thành người phụ nữ như má, như bà tôi.
Và rồi vài năm sau nữa, ắt hẳn chúng tôi đều sẽ lớn lên và theo bước các anh chị. Mái ấm đông con bữa dưa bữa cà của ba má sẽ thưa dần tiếng cười đùa đầu sân cuối vườn của chính chúng tôi.
Cái tết của ba má sẽ không còn phải vì đàn con nhỏ mà tất bật gói gém từ nhiều tháng trước, sẽ không còn bận rộn lo đủ đầy từ miếng áo, tấm quần, đòn bánh, gói mứt đến chút tiền dành dụm mới coan làm quà đầu xuân cho nụ cười các con.
Dầu vậy, anh em chúng tôi vẫn luôn biết rằng năm hết Tết đến nồi bánh tét sau nhà tôi vẫn sẽ đỏ lửa và sẽ còn to hơn thuở xưa. Vì năm nay có thêm gia đình thằng hai, thằng bốn, con tám góp đòn (góp thêm đòn bánh tét), nồi măng kho thịt của má vẫn to như ngày nào để đón con đợi cháu.
Ngọn lửa Tết cổ truyền của dân tộc vẫn cháy mãi, ba má tôi vẫn sẽ tiếp thêm ngọn lửa bếp nhà vào bếp chung của dân tộc. Ba má tôi sẽ dạy tiếp cho các cháu của mình câu chúc tết đầu năm, cách nhận tiền lì xì và lời tri ân bậc trưởng thượng.
Cảm ơn ba má vì đã yêu thương, bao dung cho chúng con trong bất cứ bước đường xuôi ngược của cuộc sống. Chúng con sẽ về dưới mái nhà nhỏ, về với nồi thịt kho măng của má, về để được ngửi hương nhang trên bàn thờ tổ tiên nhà mình.
Đặng Thị Bình
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |