TOEIC (viết tắt của Test of English for International Communication - Bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế), là một bài thi nhằm đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh.
Kết quả của bài thi TOEIC phản ánh mức độ thành thạo khi giao tiếp bằng tiếng Anh trong các hoạt động như kinh doanh, thương mại, du lịch… Kết quả này có hiệu lực trong 2 năm và được công nhận tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Vai trò của TOEIC
Cô Hoa, giám đốc hệ thống Anh ngữ Ms Hoa cho biết, trước đây tại Việt Nam, nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức… thường sử dụng chứng chỉ tiếng Anh phân chia theo cấp độ A, B, C (chứng chỉ A, B, C) để đưa ra quyết định về tuyển dụng, sắp xếp nhân sự hay bố trí nhân viên tu nghiệp tại nước ngoài. Đến nay, chứng chỉ A, B, C không còn phù hợp nữa, thay vào đó là TOEIC - một trong những tiêu chuẩn đánh giá trình độ tiếng Anh của người lao động.
TOEIC - "chiếc vé thông hành" của sinh viên
Xuất phát từ nhu cầu cần lao động biết tiếng Anh, cùng thực tế sinh viên Việt Nam ra trường thiếu kiến thức tiếng Anh, nhiều trường Đại học, cao đẳng đã đưa ra một tiêu chuẩn chung làm nền tảng - TOEIC.
Hầu hết các trường yêu cầu sinh viên có trình độ trên 450 TOEIC để đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp. Một số trường đại học lớn như Đại học Kinh tế Quốc dân yêu cầu TOEIC 4 kỹ năng hoặc 6.5 IELTS, Đại học Ngoại thương 650 TOEIC, Đại học Thương mại 450 TOEIC. Riêng sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh yêu cầu TOEIC đạt trên 550.
Các trường thuộc khối kỹ thuật cũng ngày càng yêu cầu khắt khe về tiếng Anh dành cho sinh viên. Trường Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng yêu cầu đầu ra cho các kỹ sư bắt buộc đạt trên 450 TOEIC.
Nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp do "nợ" chứng chỉ TOEIC
Hiện, theo khảo sát của nhiều trường Đại học, tỷ lệ sinh viên đạt yêu cầu chứng chỉ TOEIC để xét tốt nghiệp khá thấp. Tại một trường Đại học ở TP HCM, trong đợt đầu chỉ 634/1.099 sinh viên đạt chuẩn TOEIC theo yêu cầu để được cấp bằng cử nhân luật (đạt tỷ lệ 57,68%). Như vậy, yêu cầu điểm TOEIC của các trường đại học hiện cao hơn so với thực lực của nhiều sinh viên.
Một lý do nữa khiến sinh viên “nợ” chứng chỉ TOEIC, không đạt yêu cầu ra trường đó là phương pháp học tiếng Anh chưa hiệu quả. Theo cô Hoa: “Nhiều học viên đến trung tâm chia sẻ rằng các em không biết nên bắt đầu từ đâu. Các em cũng chưa nắm được tầm quan trọng của tiếng Anh, phải vật lộn với tiếng Anh trước khi ra trường”.
Tiếng Anh hiện là một thách thức với nhiều sinh viên kể cả cử nhân đã tốt nghiệp. Nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực tiếng Anh ngày càng cao trong thời điểm đất nước hội nhập sẽ là điều kiện thuận lợi với các bạn trẻ biết nắm bắt cơ hội.
Thế Đan