Hào hứng với những buổi liên hoan dịp cận Tết bao nhiêu thì giờ, đầu năm mới, chị Vũ, nhân viên của một công ty nước sạch lại sợ tiệc tùng bấy nhiêu. Ngày đầu đi làm, cả phòng kéo nhau đi ăn uống khai xuân mà chị gần như chẳng ăn được gì. "Bụng lúc nào cũng sôi ùng ục, nhìn thấy đồ ăn là sợ", chị nói.
Đến bữa cơm hằng ngày, chị cũng chẳng hào hứng. Bình thường, chị ăn mỗi bữa 2 lưng cơm nhưng giờ không ăn cũng không thấy đói, thậm chí ăn vào còn khiến bụng căng tức, khó chịu. Chị Vũ lo tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, sinh bệnh.
Không đến mức đầy bụng nhưng chị Thư ở Nguyễn Công Trứ, Hà Nội cũng chẳng muốn ăn uống gì sau Tết. Nhà vẫn còn nhiều bánh chưng, thịt lợn, thịt bò... nhưng cứ nghĩ đến là chị Thư sợ. Chị kể, mấy ngày Tết, chị trót ăn nhiều, lại ăn vặt theo kiểu vui miệng nên bụng lúc nào cũng lưng lửng dạ, chẳng còn cảm giác đói, thậm chí với những món khoái khẩu, chị cũng chẳng mặn mà.
"Chẳng riêng tôi, cả nhà đều thế, đến bữa, nấu cơm ra rồi lại cất đi phân nửa, chẳng ai ăn mấy, ai cũng kêu không đói, không biết đến bao giờ mới giải quyết hết số thực phẩm Tết trong nhà nữa", chị kể.
Bà Phạm Minh Hương, bác sĩ tư vấn của một viện dinh dưỡng cho biết, chán ăn sau Tết là tình trạng khá phổ biến. Điều này do nhiều nguyên nhân tạo nên. Trước hết, trong Tết, hầu hết các gia đình đều bổ sung lượng lớn thực phẩm khiến cơ thể "dư thừa", việc này kéo dài suốt cả tuần Tết nên những ngày sau đó, nhiều người không còn cảm giác thèm ăn. Thứ 2, thói quen sinh hoạt thường nhật bị phá vỡ trong dịp Tết, ăn không ra bữa, ăn vặt nhiều nên đồng hồ sinh học của cơ thể loạn nhịp, dạ dày không tiết ra dịch vị đúng bữa khiến miệng không muốn ăn.
Việc nấu cỗ Tết, đi du xuân quá nhiều... cũng khiến đến cơ thể mệt mỏi, chán ăn. Nguy hại hơn, việc dung nạp quá nhiều chất đạm, chất béo và tinh bột còn có thể khiến hệ tiêu hóa quá tải, dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, gây nên cảm giác khó chịu.
Theo bà Phạm Minh Hương, để khắc phục tình trạng trên, mọi người cần bình tĩnh, không nên tự ép mình hoặc con trẻ ngay lập tức phải ăn nhiều và đều đặn như ngày thường. Điều đó chỉ khiến cảm giác sợ ăn tăng lên. Thay vào đó, mọi người nên ăn những món mình thích, những món cảm thấy ngon miệng để tăng tiết dịch vị, kích thích cảm giác thèm ăn trở lại. Người nội trợ nên chịu khó đổi món cho gia đình, tránh tận dụng thực phẩm thừa ngày Tết như giò, bánh chưng, thịt gà... làm thức ăn chính.
Bà Hương tư vấn, dù đói hay không, mọi người vẫn nên dùng cơm khi đến bữa, tránh ăn vặt để dần lập lại đồng hồ sinh học cho cơ thể. Ngoài ra, để "giải phóng" nhanh cho hệ tiêu hóa, người dân nên ăn nhiều chất xơ như rau xanh, hoa củ quả... giúp dễ tiêu, tránh thực phẩm nhiều dầu, mỡ, đạm... Một biện pháp đơn giản nữa là ăn sữa chua hằng ngày, đặc biệt là sữa chua có bổ sung lợi khuẩn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Thực phẩm này không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn kích thích cảm giác thèm ăn, tăng cường sức đề kháng... Tuy nhiên, người tiêu dùng nên chọn loại sữa chua không có chất bảo quản, đơn cử như sữa chua Probi của Vinamilk.
"Với phần lớn các gia đình ở thành phố hiện nay, vào dịp Tết, thói quen ăn uống, tiệc tùng quá nhiều kết hợp với việc lười vận động sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sau đó dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, không tốt cho sức khỏe. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi khi vui xuân mọi người vẫn nên duy trì thói quen sinh hoạt thường nhật, ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, ăn vừa đủ, bổ sung đều cả chất đạm, tinh bột, vitamin, khoáng chất để tránh đầy bụng khi ra Tết", bà Hương khuyến cáo.
Xuân Ngọc