Theo IB Times, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Sussex, Đại học Bristol (Anh) hợp tác với Công ty UltraHaptics có trụ sở tại Bristol đã hiện thực hóa ý tưởng sử dụng sóng âm để nhấc bổng đồ vật. Bằng cách sử dụng sóng âm có biên độ lớn để tạo ra hình ảnh âm thanh ba chiều, chùm sóng hấp dẫn này có khả năng nhấc bổng và di chuyển những đồ vật nhỏ.
Theo công trình nghiên cứu về chùm sóng hấp dẫn âm thanh đăng tải trên tạp chí Nature Communications, thiết bị độc đáo này gồm một bảng chứa 64 chiếc loa nhỏ, có thể tạo ra sóng âm với biên độ lớn và cường độ cao, từ đó hình thành nên hình ảnh âm thanh ba chiều.
"Công nghệ chùm máy kéo âm thanh của chúng tôi sử dụng sóng siêu âm ở tần số 40 kHz, ngoài ngưỡng nghe của con người", Deepak Sakoo, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sussex, nói. "Tần số âm thanh nói trên nâng được vật thể có kích thước tối đa là 8 mm trong không khí. Tuy nhiên, nếu tích hợp nhiều bộ phát sóng âm, công nghệ của chúng tôi có thể nâng vật thể lớn khoảng một mét."
Chùm sóng âm có thể tạo ra nhiều hình dạng ba chiều khác nhau để điều khiển vật thể, chẳng hạn như hình cái kẹp, lồng chứa và các ngón tay. Nhóm nghiên cứu tin rằng, công nghệ này sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như việc vận chuyển và lắp ráp vật thể siêu nhỏ trên dây chuyền sản xuất mà không cần dùng tay.
"Ứng dụng thực tế nhất của công nghệ nói trên là trong lĩnh vực y tế", Sakoo nói "Thuốc có thể được dẫn truyền đến đúng mục tiêu, bằng cách sử dụng chùm sóng âm giữ các loại thuốc dạng viên nang ở vị trí thích hợp bên trong cơ thể người. Tại đó, thuốc sẽ giải phóng chậm rãi, phục vụ mục đích chữa bệnh như mong muốn."
"Điều trị ung thư bằng phương pháp hóa trị liệu hiện nay khiến thuốc len lỏi đến mọi bộ phận của cơ thể. Nếu chúng ta có thể dẫn truyền thuốc tới vị trí cục bộ nhiều hơn thì đây sẽ là một bước đột phá lớn", nhà khoa học này cho biết.
Y học hiện đại đã có kỹ thuật đưa thuốc vào những viên nang rất nhỏ rồi dùng sóng siêu âm phá viên nang để dẫn truyền thuốc vào cơ thể. "Với chùm sóng này, chúng ta có thể giữ và di chuyển viên nang thuốc tới vị trí thích hợp, chẳng hạn như tại khối u, rồi dùng sóng siêu âm phá viên nang để thuốc ngấm đúng mục tiêu", Sakoo nhấn mạnh.
Lê Hùng