Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress câu chuyện về cách chúc Tết quan chức ngày xưa và quy định chúc Tết ở Mỹ hiện nay.
Trước đây, nhà tôi ở miền Tây. Khi đấy tôi còn nhỏ, gia đình tôi chuyển nhà. Tết năm đó, tôi thấy từng nhóm người đi ngang qua nhà, họ đem theo đủ thứ: gà sống, gạo thơm, bánh mứt đựng trong những hộp đỏ, rồi hoa kiểng đủ loại. Điểm đến là một nhà cách chỗ tôi ở chừng 4 căn.
Năm sau mọi chuyện cũng y như năm trước. Tôi đã lớn hơn một chút nên đi theo lũ trẻ trong xóm tới gần căn nhà bí hiểm kia, kiễng chân nhìn những cây thiên tuế, những chậu mai kiểng. Chốc chốc lại có một vị phụ huynh ra dắt con mình về và la rằng có gì đâu mà coi.
Năm sau nữa thì chẳng còn ai tới. Người lớn trong xóm cười và nói với nhau là thời thế đổi thay nhanh thật. Căn nhà kia là của một vị quan, chính xác là giám đốc công ty lương thực thực phẩm của tỉnh. Năm không ai tới là năm mà bao cấp kết thúc.
Chuyện chúc Tết ngày nay cũng giống như vậy, chỉ khác là người đi chúc Tết bằng xe hơi, còn quà họ thường quy đổi thành hiện kim cho gọn. Nhưng người đi chúc Tết và người được chúc cũng giống nhau: họ là quan nhỏ chúc quan trên. Những người đem gà, hoa tới nhà giám đốc công ty lương thực ngày xưa đều là quan, bởi lúc đó người dân tới cả gạo ăn còn không có thì lấy đâu ra mà chúc Tết người khác.
Chuyện tặng quà nhau nhân dịp lễ là điều phổ biến ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Ở phương Tây, dịp Giáng sinh là lúc để tặng quà. Cây thông Giáng sinh lúc nào cũng có nhiều thùng quà đặt ở dưới là vậy.
Nhưng chuyện quà cáp chỉ giới hạn trong gia đình và bạn bè thân thiết. Các mối quan hệ làm ăn và đồng nghiệp thì không được tặng nhiều. Đối với các nhân viên nhà nước, dù là tổng thống hay nhân viên quét dọn trong các văn phòng nhà nước, thì quy định đều như nhau: không được nhận quà có giá trị hơn 50 đôla từ bất kỳ ai không phải gia đình hay bạn rất thân, dù là bất kỳ lý do gì.
Một người bạn của tôi là kỹ sư làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ, còn chồng của chị làm trong một công ty tư nhân. Nhân dịp lễ, công ty chồng chị tổ chức chuyến đi nghỉ mát miễn phí 3 ngày và cho phép nhân viên đưa người nhà đi cùng. Phân vân mãi rồi chị cũng ở nhà vì đi tức là nhận quà tặng, dù quà ấy thật ra là cho chồng chị và công ty đó chẳng có làm ăn lợi lộc gì với Bộ Quốc phòng cả.
Ở các công ty tư nhân, quy định về quà cáp cũng tương tự như trên: không ai được tặng nhau bất kỳ cái gì có giá quá 20 đôla. Vì thế cô tổ trưởng công ty tôi ngoài nghề nghiệp chuyên môn còn ủ rượu vang để dành tặng đồng nghiệp. Một anh khác thì ủ bia, sau đó anh tặng mỗi người mấy chai. Còn tôi thì thường lái xe ra chợ Việt Nam mua các hộp kẹo nhân sâm nhỏ xíu làm quà.
Trách nhiệm từ chối quà tặng là ở người được tặng: họ là người được cho là có quyền lực trong mối quan hệ cho - nhận. Cho nên cô nhân viên Bộ nói trên mới có trách nhiệm ở nhà, không đi nghỉ cùng chồng.
Xét cho cùng thì việc chúc Tết cấp trên xuất phát từ cơ chế xin - cho. Người ta chỉ quà cáp cho những người không thân thiết khi họ cần người đó cho mình cái gì sau này, không thì thôi.
Khi bị cấm chúc Tết thì người ta sẽ chuyển sang chúc vào ngày khác nếu muốn. Một năm có 365 ngày, thiếu gì dịp để chúc nhau. Cái gốc không được đào lên thì cái ngọn nó cứ mọc ra, mọc vào lúc nào cũng vậy.
>> Xem thêm: Mẹ đóng thùng đèo con về quê ăn Tết
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.