Ông Thanh cho biết, mặc dù giai đoạn 1 của dự án mới được thông tuyến nhưng những ngày qua đã có rất nhiều người đi vào tuyến đường mới này. Hiện, Ban quản lý dự án đường Hồ chí Minh đã cơ bản bàn giao toàn bộ giai đoạn I từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Bình Phước, dài hơn 2.000km. Giai đoạn 2 từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Cà Mau cũng đang được hoàn tất để chuẩn bị thông tuyến.
Tính tới thời điểm 30/4, các hệ thống cọc tiêu, biển báo đảm bảo ATGT đã được lắp đặt. Các băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền về tuyến đường được đẩy mạnh. Thời gian tới, Cục Đường bộ VN, phối hợp với Ban QLDA đường HCM tổ chức đợt tuyên truyền, vận động mạnh mẽ kêu gọi lái xe và các phương tiện giao thông chuyển sang đi trên đường HCM.
Ông Thanh cho biết, hiện nay, chất lượng mặt đường tốt. Độ cong cũng như cầu cống đều rất đảm bảo cho việc lưu thông. Hệ thống cây xăng, các dịch vụ ăn nghỉ cũng được bố trí dàn trải đều trên toàn tuyến. "Việc lưu thông trên tuyến đường sẽ rất thuận tiện, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và quá tải cho quốc lộ 1A", ông Thanh nói.
Đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 3.167 km, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từ Cao Bằng, Bắc Kạn tới Bạc Liêu và Cà Mau.
Tuyến đường được đầu tư xây dựng với 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum); giai đoạn 2 nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) và giai đoạn 3 (2010-2020) hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Xuân Tùng