Thủ tướng nêu yêu cầu trên với Bộ Y tế ngày 17/7, đồng thời lưu ý việc xây dựng kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng khi tình huống xấu hơn.
Bộ trưởng Y tế chịu trách nhiệm sẵn sàng trang thiết bị, vật tư y tế; hướng dẫn cách ly xã hội; có phương án tăng cường năng lực điều trị tại từng địa phương; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời máy thở, oxy... Bộ huy động, sử dụng các nguồn lực hợp pháp để mua sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế.
Bộ Quốc phòng được giao huy động lực lượng, trong đó có dân quân tự vệ, tham gia đảm bảo vận chuyển lương thực, hàng thiết yếu; xây dựng bệnh viện dã chiến; triển khai chiến dịch tiêm vaccine. Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo xe vận tải thông suốt giữa các địa phương, có phương án thống nhất kiểm soát người và phương tiện trên địa bàn giãn cách.
Bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm. Các bộ hỗ trợ tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu kiểm soát người từ tỉnh cách ly xã hội đến nơi khác.
Ngày 17/7, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng cách ly xã hội 19 tỉnh thành, gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời điểm bắt đầu áp dụng do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.
Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 47.343 ca Covid-19, tại 58 tỉnh, thành. TP HCM có số ca nhiễm cao nhất cả nước, với 29.081 ca.