Chuẩn bị hành lý chính là một trong những khâu quan trọng để chuyến du lịch tự túc ở châu Âu thuận lợi nhất. Dưới đây là một vài kinh nghiệm của độc giả Trịnh Hằng.
Đọc kỹ quy định hành lý của mỗi đơn vị vận chuyển
Đa số du khách đi châu Âu tự túc thường sử dụng phương tiện công cộng, mỗi loại hình phương tiện lại có quy định riêng về hành lý.
Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF) quản lý và vận hành nhiều hệ thống tàu tại Pháp và xuyên biên giới, mỗi loại lại có chính sách riêng về hành lý. Nếu đi bằng tàu TER thì không có giới hạn về kích thước và trọng lượng hành lý, miễn là bạn tự mang vác và xếp gọn trong khu vực quy định. Nhưng nếu đi bằng tàu OUIGO, bạn chỉ được mang tối đa hai kiện, mỗi kiện không vượt quá 36 cm x 27 cm x 15 cm (tương đương hai túi laptop) hoặc một túi và một vali cabin (55 cm x 35 cm x 25 cm). Tàu Eurostar rộng rãi hơn, cho khách mang theo hai kiện hành lý cỡ trung bình (tối đa 85 cm ở cạnh dài nhất) và một kiện xách tay.
Trên một chặng đường dài bất kỳ (ví dụ từ Paris đến Marseille), bạn có thể phải đổi nhiều loại tàu, do đó hành lý cần thỏa mãn tất cả các điều kiện của từng loại.
Nếu đi máy bay, càng nên lưu ý chuyện hành lý. Hai hãng hàng không giá rẻ phổ biến ở châu Âu là Easy Jet và Ryan Air đều có quy định rất chặt chẽ. Cùng là bay từ Rome đến Paris, Ryan Air chỉ cho hành khách một túi xách tay nhỏ 40 cm x 20 cm x 25 cm, Easy Jet cũng chỉ cho một túi không quá 45 cm x 36 cm x 20 cm. Nếu muốn mang thêm một kiện 10 kg, khách hàng của Ryan Air phải trả thêm 24 euro (624.000 đồng). Với Easy Jet, khách hàng chỉ có thêm một lựa chọn là hành lý ký gửi 23kg và trả thêm 47 euro (khoảng 1,2 triệu đồng).
Bạn cần xây dựng lịch trình thật kỹ càng với từng loại phương tiện giao thông cho mỗi chặng, đồng thời cân nhắc kỹ kích thước, trọng lượng hành lý mang theo để không phải trả phí tại chỗ thường đắt đỏ so với mua trước khi khởi hành.
Trong chuyến đi châu Âu vừa rồi, chúng tôi chỉ mang theo vali size cabin (55 cm x 35 cm x 25 cm) và túi du lịch cỡ vừa, không mang vali cỡ đại. Hai hành lý này đáp ứng yêu cầu của tất cả các xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện mặt đất và các hãng hàng không. Ngoài ra, chúng đựng đủ vật dụng cá nhân và đồ mua sắm thêm, do đó chúng tôi không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào.
Tìm hiểu quy định gửi đồ ở điểm tham quan
Nhiều nơi trên thế giới khá thoải mái với việc du khách mang theo hành lý, nhưng tại châu Âu, vì lý do an ninh và cũng theo quy định của từng quốc gia, nhiều điểm tham quan chỉ cho phép du khách mang theo túi xách cỡ nhỏ, không nhận trông giữ hành lý to.
Nếu bạn ở qua đêm tại nơi đó thì có thể gửi đồ ở khách sạn khi trả phòng và quay lại lấy đồ sau khi tham quan. Với những du khách chỉ ghé qua một bảo tàng, một lâu đài trong vài tiếng đồng hồ rồi đi tỉnh khác mà mang theo hành lý, hãy liên lạc với điểm tham quan (qua email, tin nhắn, điện thoại) để hỏi rõ chính sách hành lý. Nếu họ không cho gửi đồ thì xin gợi ý về hành lý. Bạn có thể gửi ở ga tàu gần nhất, hoặc các trung tâm thương mại, cửa hàng, homestay lân cận. Nhiều nơi có thể sẽ yêu cầu trả phí, song ít nhất bạn có thể yên tâm về đồ đạc.
Mang túi gấp gọn và cân xách tay
Các quốc gia châu Âu từ lâu đã hạn chế sử dụng túi nylon dùng một lần. Các siêu thị, cửa hàng không cung cấp túi xách miễn phí. Để bảo vệ môi trường và cũng để tránh phải bỏ tiền mua túi nilon, bạn hãy mang theo từ nhà những chiếc túi gấp nhỏ. Khi đi mua sắm, bạn có thể mang ra đựng đồ, khi không dùng đến có thể cất gọn vào vali. Nếu mua sắm nhiều hơn dự kiến, bạn có thể biến chính những chiếc túi gấp gọn đó thành một kiện hành lý xách tay.
Cũng để kiểm soát hành lý của bản thân, bạn nên mang theo một chiếc cân xách tay để xem trọng lượng hàng hóa đã mua là bao nhiêu, tổng trọng lượng tăng thêm chừng nào. Từ đó, bạn sẽ có thêm phương án trên mỗi chặng đường di chuyển, mua thêm cước hành lý, tránh tình trạng lúng túng và phải trả nhiều khoản phí ở sân bay, ga tàu. Bạn thậm chí có thể trễ chuyến vì hành lý.
Một vật dụng khác nên có khi du lịch châu Âu chính là băng dính bản to. Nó có thể giúp bạn khắc phục nhiều vấn đề của hành lý như ba lô bục chỉ, vali bung khóa kéo, hoặc mua sắm nhiều dẫn đến cần quấn bọc thêm kiện hành lý ký gửi.
Chuẩn bị trang phục cho từng ngày
Mỗi chuyến đi châu Âu thường kéo dài, nên du khách có xu hướng mang nhiều quần áo. Tuy vậy mang quá nhiều đồ có thể khiến hành lý của bạn quá cân hoặc quá cỡ, phải trả thêm tiền, thậm chí còn vượt giá trị quần áo.
Vì thế, hãy liên lạc với khách sạn hỏi xem họ có máy giặt hoặc gần đó có dịch vụ giặt đồ giá rẻ hay không (dịch vụ này khá phổ biến ở châu Âu), để giảm bớt số quần áo mang theo. Tiếp đó, bạn "lên lịch quần áo" cho từng ngày, phù hợp với thời tiết và địa hình. Một bí quyết quan trọng là mang quần áo cùng tông màu để dễ phối và mặc lại được nhiều lần.
Giày dép thường to nặng hơn quần áo, chiếm nhiều thể tích trong vali nên chỉ cần mang một đôi thật êm chân, hỗ trợ vận động thật bền chắc và có màu sắc trung tính (đen, trắng, ghi...). Đi châu Âu đồng nghĩa với việc sẽ đi bộ rất nhiều, một đôi giày đế mềm loại tốt là không thể thiếu.
Trịnh Hằng