Theo Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ), khi ly hôn, vợ chồng có thể lựa chọn hình thức thuận tình ly hôn.
Điều 55 Luật này quy định trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
Kết quả của trình tự này là quyết định công nhận thuận tình ly hôn chứ không phải bản án xử cho ly hôn. Tòa án cũng không phải mở phiên tòa xét xử như các vụ án khác.
Khi giải quyết theo hướng thuận tình, đòi hỏi vợ chồng phải thống nhất về tình cảm (cùng đồng ý ly hôn), không tranh chấp về con cái và tài sản. Giải quyết theo hướng này thì thời gian khá nhanh gọn, không tiềm ẩn tranh chấp trong quá trình thi hành án (giao con, chia tài sản).
Đối với trường hợp có tranh chấp, tòa án sẽ tiến hành xét xử vụ án ly hôn. Điều 56 quy định khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trường hợp có tranh chấp về con thì tòa án sẽ xem xét đến quyền lợi mọi mặt của đứa trẻ xem giao cho ai trực tiếp nuôi dưỡng thì tốt hơn. Các yếu tố được cân nhắc, đánh giá bao gồm: Điều kiện về thời gian, kinh tế, thu nhập, nghề nghiệp, nhân thân, lối sống, chỗ ở... Trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên thì tòa án phải hỏi ý kiến đứa trẻ xem cháu có nguyện vọng ở với ai.
Trường hợp vợ chồng thống nhất việc giao con cho ai nuôi thì các bên sẽ có hành động tích cực, thiện chí giải quyết các vấn đề liên quan đến con cái sau ly hôn. Ngược lại, nếu có tranh chấp (thậm chí rất gay gắt) thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý, cảm xúc, niềm tin của con đối với cha mẹ; tiềm ẩn những hệ lụy, ảnh hưởng không tốt đến quá trình chăm sóc, giáo dục con chung sau này. Đặc biệt là sự hợp tác trong việc thăm nom, chăm sóc con của người không trực tiếp nuôi dưỡng sau ly hôn.
Đối với tòa án, trên cơ sở lời trình bày của các bên cũng như các tài liệu thu thập được thì sẽ đánh giá, giải quyết vụ án một cách khách quan, công tâm, toàn diện.
Các yếu tố bạn quan tâm như chiến thuật, tác phong, trang phục, ngôn ngữ, trình bày, đề phòng yếu tố bất ngờ tại tòa án... sẽ không có nhiều tác dụng bởi HĐXX giải quyết vụ án trên cơ sở bản chất vụ việc chứ không dựa vào hình thức thể hiện của đương sự. Các thẩm phán được giao giải quyết án ly hôn thường rất nhạy bén và có niềm tin nội tâm đủ lớn để quyết định giao con cho ai nuôi thì tốt hơn.
Hơn nữa, việc giao con cho ai nuôi dưỡng trong vụ án ly hôn không có giá trị lâu dài mà một trong các bên đều có quyền đề nghị tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn nếu các điều kiện đã thay đổi.
Điều này có nghĩa, sau ly hôn, người được giao nuôi con phải thực sự yêu thương con, dành nhiều thời gian, công sức chăm sóc con. Nếu họ không làm được điều đó thì người kia sẽ có quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc chăm sóc con trong một thời gian dài sẽ bộc lộ ai là người nuôi dưỡng, chăm sóc con tốt hơn.
Do vậy, thay vì tìm cách giành quyền nuôi con thì vợ chồng, mỗi người nên suy nghĩ một cách bình tĩnh, thấu đáo, khách quan nên để ai nuôi con thì tốt hơn. Các bên cần hạn chế cái tôi, sự ích kỷ, sĩ diện của bản thân khi giải quyết vấn đề nuôi con. Làm được điều đó thì chính là yêu thương con một cách đích thực.
Về các lưu ý trang phục, nội quy trong phòng xét xử vụ án dân sự, được quy định tại Điều 234 Bộ luật Tố tụng Dân sự, độc giả có thể xem tại đây.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội