Aquathlon là thuật ngữ dùng để chỉ môn thể thao kết hợp giữa bơi và chạy bộ. Khác với triathlon (ba môn phối hợp), aquathlon không có môn đạp xe. Người tham gia aquathlon sẽ phải hoàn thành một quãng bơi sau đó tiếp tục chạy bộ thêm một cự ly nhất định để tính thời gian. Bộ môn này đòi hỏi người tham gia phải có sự kết hợp đồng đều giữa tay (bơi) và chân (chạy) để đạt kết quả cao.
Cả bơi và chạy đều là những môn thể thao lâu đời. Tuy nhiên, chưa có tài liệu nào xác định chắc chắn về nguồn gốc ra đời của Aquathlon. Nguồn gốc của môn phối hợp này có thể bắt nguồn từ các cuộc đua ở Australia, vào những năm 1950. Các cuộc đua này yêu cầu người tham gia chạy dọc theo bãi biển, sau đó bơi ra khơi rồi vòng qua một chiếc phao cắm mốc để quay trở lại bãi biển. Sau đó, các vận động viên sẽ tiếp tục chạy dọc bãi biển một lần nữa.
Đến những năm 1960, ý tưởng này đã lan sang California, Mỹ, trở nên phổ biến với những vận động viên chạy bộ và bơi lội. Liên đoàn ba môn phối hợp của Mỹ (USAT) cho rằng giải aquathlon đầu tiên tại quốc gia này là Dave Pain Birthday Biathlon, một cuộc đua bao gồm chạy và bơi được tổ chức tại San Diego vào năm 1971. Cũng chính sự kiện này đã trở thành cảm hứng cho cuộc đua ba môn phối hợp đầu tiên (Mission Bay triathlon) diễn ra ba năm sau đó.
Tại châu Âu, một số nguồn cho rằng, hai môn phối hợp chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm 2002, từ 4 người Thụy Điển. Họ thách thức nhau chinh phục một phần của quần đảo Stockholm bằng đường biển và đường bộ. 4 người chia thành hai cặp và mất hơn 26 giờ để hoàn thành thử thách.
Năm 2006, một công ty tiếp thị về thể thao đã được mời để tổ chức lại một cuộc đua theo kiểu như vậy. Giải đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 9 cùng năm. cuộc đua năm đó bao gồm chín cặp vận động viên nhưng chỉ có hai đội kết thúc. Tuy vậy, sự kiện thu hút được khá nhiều sự quan tâm của truyền thông vì đây được xem là một trong những thử thách sức bền khó nhất trên thế giới.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các cuộc thi Aquathlon dần trở nên phổ biến. Tùy vào điều kiện tự nhiên như đường chạy, nhiệt độ của nước mà mỗi giải lại có luật thi đấu và cự ly khác nhau. Số lượng người tham gia hai môn phối hợp cũng tăng đều theo từng năm vì nhiều lý do. Đầu tiên là việc bộ môn này giúp phát triển toàn diện các nhóm cơ, rèn luyện sức mạnh, tốc độ và vóc dáng. Thứ hai, chơi aquathlon đỡ tốn kém hơn triathlon vì người tham gia không cần phải mua xe đạp và cũng không gặp bất tiện khi phải mang xe đạp theo nhiều nơi trong mỗi lần thi đấu.
Cần chuẩn bị kỹ cho cuộc đua
Yêu cầu trong một cuộc đua hai môn phối hợp là hoàn thành cự ly đã đăng ký trong thời gian ngắn nhất. Để làm được điều này, người tham gia cần có một lộ trình tập luyện và dinh dưỡng hợp lý. Người chơi phải có sự phân chia đồng đều lịch tập của từng môn.
Đặc biệt, nội dung bơi của các giải hai môn phối hợp thường sẽ diễn ra ở các bãi biển. Bơi biển có nhiều khác biệt so với bơi trong hồ. Do đó, nhiều chuyên gia khuyên vận động viên nên có những buổi tập tại sông hoặc biển để làm quen cảm giác bơi tại không gian rộng. Trong trường hợp thiếu tập luyện, người tham gia dễ gặp phải tình huống hốt hoảng khi không xác định được hướng cần bơi, chân không thể chạm đáy, sóng che mất tầm nhìn hay không có vật gì để bám.
Việc phải chuyển đổi trạng thái dưới nước và trên cạn cũng dễ dẫn đến chuột rút hơn, nhất là khi đang ở dưới nước. Do đó, người tham gia cần quá trình chuẩn bị kéo dài và phải khởi động rất kỹ trước khi thi đấu.
Một số giải aquathlon hiện nay cho phép nội dung thi đấu đồng đội hai người dưới nhiều hình thức. Trong đó, phổ biến là mỗi người hoàn thành một nội dung. Nếu chỉ có thế mạnh ở một môn, vận động viên cũng có thể cân nhắc tìm đồng đội phù hợp cùng thi đấu.
Ngoài ra, để đạt thành tích tốt, các vận động viên cũng cần tự trang bị cho mình những vật dụng hữu ích khi đua. Ngoài giày chạy bộ thoải mái, đồ bơi, kính và mũ bơi cũng là những vật không thể thiếu. Bên cạnh đó, người tham gia cũng có thể trang bị phao số 8 hoặc phao an toàn để bảo vệ bản thân.
Phao bơi số 8 là một miếng mút có hình số 8. Trong chặng đua dưới nước, vận động viên sẽ đặt phao này vào giữa hai chân giúp cho phần thân sau nổi lên. Vì các cuộc thi thường cho phép mang theo phao, nên người chơi có thể sử dụng dụng cụ này để giảm bớt gánh nặng cho chân. Chiến thuật phổ biến là bơi dùng tay và chạy dùng chân, hạn chế tối đa việc dùng chân khi bơi.
Phao bơi an toàn là loại phao có màu sắc rực rỡ được cột vào eo của vận động viên và thả trôi theo người khoảng vài chục centime, được níu giữ lại cạnh eo nhờ 1 sợi dây có sẵn. Ở một số giải, vận động viên bắt buộc phải mang phao này.
Việt Nam có giải aquathlon đầu tiên
Giải Aquaman Vietnam dự kiến tổ chức vào ngày 2/10 tại Sa Vĩ - nơi địa đầu tổ quốc, thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, sẽ là giải đấu hai môn phối hợp đầu tiên tại Việt Nam. Hiện tại, giải đang mở cổng đăng ký với quy mô 1.000 slot (cá nhân và đồng đội). Các vận động viên tham gia có thể lựa chọn thi đấu ở các cự ly Aquaman (bơi 2km - chạy 21km), Half Aqua (bơi 1km - chạy 10km), Sprint Aqua (bơi 500m - chạy 5km) và Aquakid (bơi 200m - chạy 1km).
Với nhiều cự ly khác nhau, cùng thể thức thi đấu cá nhân hoặc đồng đội tiếp sức, Aquaman Vietnam mang đến sự mới mẻ cho cộng đồng thể thao. Việc tập luyện và thi đấu hai môn phối hợp mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, việc được trải nghiệm cung đường bơi - chạy và khám phá nét đẹp nơi địa đầu tổ quốc cũng sẽ mang đến những cảm xúc khó quên cho vận động viên. Tìm hiểu và đăng ký Aquaman Vietnam tại đây.
Hoài Phương