Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Quốc hội đầu tháng 5 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Hồi tháng 7/2022, trong quyết định về biên chế các cơ quan Đảng, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên ở giai đoạn này. Riêng năm học 2022-2023, các địa phương được tuyển bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Như vậy, số giáo viên các địa phương chưa tuyển được trong năm học này là hơn 12.300.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả cấp học, môn học nhằm xác định cụ thể số còn thiếu, sau đó đề xuất bổ sung biên chế năm học 2023-2024.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ cho phép các địa phương thiếu giáo viên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn cũ, tức chỉ cần tốt nghiệp trung cấp sư phạm thay vì cao đẳng. Sau khi được tuyển dụng, những giáo viên này phải nâng chuẩn, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, giáo viên tiểu học có bằng cử nhân trở lên như quy định hiện hành.
Ngoài ra, Bộ cho biết tiếp tục ưu tiên tuyển giáo viên cho các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Tình trạng thiếu giáo viên là vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục từ đầu năm học mới đến nay. Hồi đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000.
Do yêu cầu dạy hai buổi trên ngày, phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi của chương trình mới, các tỉnh cần số lượng giáo viên rất lớn. Ngoài ra, chương trình phổ thông mới có môn Tin và Ngoại ngữ cho bậc tiểu học, hai môn tích hợp ở khối THCS nên các trường đều có nhu cầu tuyển dụng giáo viên để đảm nhận các môn này. Ở cấp THPT, các nơi chủ yếu thiếu giáo viên Mỹ thuật và Âm nhạc.
Trong khi chương trình mới cần nguồn nhân lực lớn, ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết được bài toán về thu nhập của nhà giáo, nên có chỉ tiêu mà vẫn khó tuyển dụng. Thu nhập bình quân của giáo viên mầm non sau 5 năm đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã gồm phụ cấp và thâm niên. Còn giáo viên mới chỉ nhận khoảng 3 triệu đồng trong 2-3 năm đầu.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, khoảng 16.000 giáo viên bỏ việc. Bộ trưởng và nhiều nhà quản lý nhận định lương "quá thấp" là nguyên nhân chủ yếu khiến giáo viên bỏ nghề, khiến ngành giáo dục kém thu hút, khó tuyển dụng.