Cho ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 31/10 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục) đánh giá chủ trương tinh giản biên chế là đúng, nhưng thời gian qua "mới giảm chứ chưa tinh". Đối tượng ra khỏi biên chế chủ yếu ở người đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác.
"Chúng ta chưa giảm được những người cần phải đưa ra khỏi bộ máy, người có vị trí nhưng khó bố trí việc làm", nữ đại biểu nói, cho biết biên chế giảm, nhưng công việc không giảm và chưa có giải pháp hỗ trợ để cán bộ, công viên chức có đủ thời gian cống hiến.
Thực tế, càng tinh giản biên chế thì áp lực công việc với những người làm được việc càng lớn, trong khi đây lại là bộ phận có ít cơ hội thăng tiến; ngạch, bậc lương vẫn theo thâm niên, bằng cấp chứ không theo vị trí việc làm và mức độ cống hiến. Đây là nguyên nhân khiến cán bộ, công viên chức rời khu vực công sang tư, tìm môi trường làm việc tốt hơn, có cơ hội thăng tiến và chế độ lương bổng cao hơn.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, người nghỉ việc dưới 40 tuổi chiếm 64%. Trong bối cảnh số tuyển đầu vào ngày càng ít đi, thu nhập lại rất thấp, thì càng khó để khu vực công thu hút nguồn nhân lực trẻ. Tình trạng già hóa công chức, viên chức trong khu vực công cần phải tính toán. Trong 5-10 năm tới, có thể có độ hẫng thế hệ kế cận và đây là thách thức rất lớn.
Trước đây, khu vực công thu hút người lao động nhờ biên chế và công việc ổn định lâu dài, có lương hưu. Giờ đây, người lao động lựa chọn việc làm dựa trên lương bổng, môi trường làm việc. Vì vậy, bà Hoa đề nghị đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội nội dung liên quan đến sử dụng, quản lý nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài.
"Cần tôn vinh và sử dụng đúng người tài, trong quá trình cải cách tiền lương phải có nguồn để bồi dưỡng, tạo điều kiện cho người tài được cống hiến", bà Hoa nói, đề nghị chỉ nên tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và 10% viên chức trong 5 năm tới. Việc này cần làm khẩn trương, khoa học.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn) cũng cho rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thời gian qua vẫn còn hạn chế nhất định. Tinh giản biên chế chủ yếu là giảm cơ học về số lượng, chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.
Ông đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn. Trong đó, cần gắn với tình hình thực tiễn của từng địa phương trong từng năm và đảm bảo mục tiêu đủ số lượng người làm việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là đối với biên chế sự nghiệp giáo dục, đào tạo, gắn với định mức, số lượng giáo viên mỗi cấp học.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Chủ tịch HĐND TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) cũng nêu những hạn chế phát sinh trong quá trình tinh giản biên chế. Đơn cử ngành y tế phải cắt giảm 10% biên chế trong khi nhân lực ngành y đang thiếu so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Ngành giáo dục đang thiếu lớp và thiếu giáo viên do học sinh mầm non và tiểu học tăng mạnh, cũng gặp nhiều áp lực khi phải sắp xếp biên chế. Vì vậy, bà Thanh đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ, cơ chế đặc thù về tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế, giáo dục.
"Việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa có hướng dẫn nên triển khai chậm. Chính sách thu hút cán bộ cũng chưa hấp dẫn, đãi ngộ với cán bộ còn hạn chế nên chưa khuyến khích cán bộ phát huy hết năng lực", bà Thanh nói.
Sơn Hà - Viết Tuân