Chiều 2/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết đây là tình huống khẩn cấp, nguy kịch nên cần các lực lượng chuyên môn với các thiết bị chuyên dùng. Nhóm kỹ thuật đang tác nghiệp liên tục để đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian cứu hộ.
Tỉnh đã chỉ đạo cho các sở ngành, địa phương, đơn vị thi công tập trung mọi nguồn lực cứu hộ, hy vọng có kết quả sớm, giảm bớt áp lực lo lắng cho người nhà. Với phương án cứu hộ hiện tại, đơn vị chuyên môn làm mềm phần đất xung quanh, giảm bớt ma sát, khi đủ điều kiện sẽ đưa trụ bêtông lên bằng các thiết bị chuyên dụng.
Lý giải về việc chưa triển khai ngay camera thăm dò vị trí cháu bé, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp nói không thể tiến hành song song hai giải pháp mà phải ưu tiên cứu hộ để rút ngắn thời gian. Sau khi kéo cọc lên, cứu hộ sẽ thăm dò vị trí và dùng các thiết bị chuyên dùng cưa, cắt bêtông ra từng đoạn cứu cháu bé ra.
Theo ông Bửu, bé trai rơi trong lồng ống hẹp với độ sâu như vậy có khả năng bị đa chấn thương, không đảm bảo thông khí, tiên lượng rất xấu. Do đó địa phương tính tới khả năng phải cấp cứu tại hiện trường kể cả nạn nhân và thân nhân bị sốc.
Đây là cứu hộ ở địa phương chưa có tiền lệ, tỉnh đã nhờ Quân khu 9 cử lực lượng cùng thiết bị chuyên dùng nội soi thăm dò, các thiết bị cưa cắt các khối bêtông đang tập trung ở đây. Khi cần đến, lực lượng này có thể ứng phó nhằm sớm đưa được cọc bêtông lên.
Tại hiện trường có hai cần cẩu, 4 máy đào, 5 sà lan, một giàn cọc khoan nhồi, một thiết bị hút bùn, một giàn khoan guồng xoắn, hai giàn khoan địa chất... Hiện nay đang tập kết thêm một dàn khoan guồng xoắn, ống vách đường kính lớn để phối hợp với giàn khoan đã có tại hiện trường. Phương án cứu nạn là dùng khoan nhồi và khoan guồng xoắn để phá vỡ các kết cấu chặt của lớp địa chất xung quanh cọc để cẩu trụ bêtông lên.
Khoảng 350 người gồm nhiều lực lượng tỉnh, huyện, các sở, ngành cùng các đơn vị cứu hộ, cứu nạn công an, quân đội, công binh Quân khu 9 đã có mặt tại hiện trường để tham gia cứu hộ.
"Với sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng từ Quân khu 9, dự kiến nội trong đêm nay sẽ đưa được đoạn ống ra khỏi hiện trường", ông Bửu nói.
Đưa camera chuyên dụng xác định vị trí bé trai bị kẹt
Trưa 2/1, thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, thiết bị chuyên dùng để khoan giếng có chiều dài 500 m được huy động xuống hiện trường cùng 4 kỹ sư vận hành để thăm dò vị trí nạn nhân. Loại camera này chuyên dùng thăm dò địa chất, có thể thấy hình ảnh kể cả trong môi trường tối. Khi xác định vị trí của người bị nạn, tuỳ từng vị trí, đội ứng cứu sẽ có biện pháp tương ứng. Tuy nhiên thiết bị này không thể xác định chỉ số sinh tồn của cháu bé.
Theo một lãnh đạo Phòng cảnh sát PCCC TP HCM, đơn vị từng nhiều lần cứu nạn dưới hang sâu hàng trăm mét, song tình huống bé trai 10 tuổi mắc kẹt trong khối bêtông này rất phức tạp, do đường kính trụ bêtông quá nhỏ, lực lượng chuyên nghiệp không thể chui lọt cộng với bùn đất nhão. "Giải pháp duy nhất là dùng máy móc chuyên dụng để đưa cọc bêtông lên", lãnh đạo này nhận định.
Trưa 2/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi công điện chỉ đạo Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp phối hợp Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các bộ ngành liên quan huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ và thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn.
Bộ trưởng Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Xây dựng cũng được giao huy động chuyên gia, chỉ đạo lực lượng có kinh nghiệm ứng phó sự cố để hỗ trợ địa phương.
Túc trực ngày đêm ở hiện trường đợi tin con
Trong căn nhà lá tuềnh toàng cách hiện trường gần một km, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, mẹ bé Nam, thẫn thờ sau hai ngày đêm chưa ăn uống, chợp mắt. Nhắc đến con trai, chị kể từ Nam nhỏ người, hiện chỉ nặng hơn 20 kg. Nam ngoan, học khá, mỗi ngày trước khi đi học em thường ra chợ mua thức ăn sáng cho ba mẹ, em gái hơn tuổi rưỡi rồi mới đi học. Còn ba của Nam - anh Thái Văn Tấn Tài - hai ngày qua túc trực ở hiện trường chờ đón tin con.
Cứu hộ trong đêm bất thành
Sáng 2/1, ngành chức năng tiếp tục triển khai nhiều máy móc, phương tiện để nhanh chóng tìm cháu bé, đưa ra khỏi cọc bêtông. Trong đó, một đầu khoan dạng xoắn ốc sẽ được xuống cạnh cọc bêtông nhằm làm đất mềm ra, giảm ma sát thân quanh cọc. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa xuống hiện trường khảo sát, thăm lực lượng làm nhiệm vụ tại đây.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, khoan cọc xoắn ốc (khoan luồng xoay) nhằm cân bằng áp lực đất, không để cọc bêtông bị xô ngã. Việc này sẽ mất khá nhiều thời gian. Trước đó, khi lực lượng cứu hộ khoan cọc nhồi do địa chất yếu nên cột bị trượt phải ngưng để tránh nguy hiểm cho nạn nhân.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo, cho biết đêm qua công tác cứu hộ có dừng 1-2 giờ đến sáng nay được nối lại với nhiều phương tiện thiết bị được tăng cường. Phương án cứu hộ vẫn như ban đầu là làm mềm đất, giảm ma sát thân để rút cọc lên. "Việc dừng là do trong quá trình thực hiện phát sinh một số tình huống xảy ra phải điều chỉnh để đảm bảo an toàn nhất cho bé trai và lực lượng thực hiện", ông nói.
Đêm qua, sau khi có thiết bị chuyên dụng khoan cọc nhồi tải trọng 35 tấn, lực lượng cứu hộ đẩy nhanh công việc với mục tiêu sớm nhổ được cọc bêtông. Tuy nhiên, máy hoạt động không như dự tính, buộc phải dừng. Phương án khoan cọc nhồi dễ làm cột bêtông bị lệch vị trí, các mối nối của cột không chịu nổi lực tác động mạnh. Đến nay, nạn nhân 10 tuổi mắc kẹt dưới hố sâu gần 2 ngày. Ngành chức năng Đồng Tháp chưa cung cấp thông tin mới về việc cứu người.
Trước đó vào buổi chiều, máy khoan cọc nhồi được lực lượng cứu hộ tỉnh đưa từ huyện Tháp Mười đến hiện trường bé trai gặp nạn ở ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình. Khi có thiết bị, lực lượng cứu hộ bắt đầu khoan nhồi với lực đóng 35 tấn. Cơ quan chức năng dự tính, cùng với ba mũi khoan quanh cọc bêtông thực hiện gần 20 giờ qua, việc nhổ cọc hoàn thành trong đêm.
Trưa 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống cọc bêtông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Một số người chứng kiến cho biết, sau khi rơi vào cọc bêtông, bé trai kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút.
Camera tại dự án ghi lại cảnh bé trai gặp nạn khi đi trên nền đất ở công trường lồi lõm, nhiều hố sâu. Nam bé nhỏ nhất trong nhóm, sẩy chân rơi xuống hố trong tích tắc. Miệng hố cách điểm cuối cùng trụ bêtông cắm vào đất khoảng 3 m, không được đơn vị thi công lấp lại khi dời máy móc sang thi công mố cầu gần đó. Miệng hố như hình phễu, khi cháu bé sẩy chân đã rơi vào trụ bêtông rộng 25 cm.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo đang chỉ huy tại công trường cứu hộ cho biết cọc bêtông gồm hai đoạn dài 12 m và một đoạn dài 10 m, dưới cùng được bịt kín. Kết cấu này hạn chế bé trai bị rơi ra ngoài khi cọc được nhổ lên. Lực lượng chức năng sẽ xác định vị trí bé trai, sau đó mới tiến hành tháo từng đoạt khớp nối cột bêtông.
Tại công trường, ngoài cần cẩu 50 tấn còn có ba xe máy xúc đất hỗ trợ công tác cứu hộ. Dù phương án giải cứu được bàn bạc kỹ song chính quyền tỉnh Đồng Tháp không chắc chắn về sức khoẻ hiện tại của Nam. Hiện cậu bé không còn tương tác bên ngoài dù oxy vẫn được nạp liên tục xuống cọc. Quá trình tìm kiếm, đội cứu hộ dùng dây thả camera xuống song chưa thấy nạn nhân.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, công trình cầu kênh Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 - thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước dài hơn 4 km. Dự án do nhóm 3 doanh nghiệp thực hiện, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư công trình, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải giám sát thi công, xây dựng.
Về trách nhiệm của nhà thầu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp cho hay xung quanh công trường có rào dây, cắm biển báo, camera giám sát song đơn vị sẽ chấn chỉnh, đảm bảo an toàn khi thi công. "Sau khi hoàn tất cứu hộ, ngành chức năng làm rõ nguyên nhân, sẽ xử lý sai phạm nếu có", ông Bảo nói.
Ngọc Tài - Hoàng Nam - Đình Văn