Sau hơn một tháng ghép tủy từ người anh trai, các xét nghiệm tủy đều cho kết quả khả quan.
Thạc sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, các chỉ số tế bào máu đã trở lại gần như bình thường, đặc biệt xét nghiệm về tổn thương di truyền đã cho kết quả âm tính, sinh học phân tử PCR gene bệnh cũng âm tính... Tới nay, Thuần đã hoàn toàn lui bệnh, đang dần bình phục.
Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng, ghép tế bào gốc là hoạt động thường quy tại bệnh viện. Từ năm 2006 đến nay, Viện đã thực hiện trên 50 ca ghép tế bào gốc để điều trị một số dạng ung thư máu, thành công trên 75%. Trường hợp của Thuần không phải đầu tiên nhưng là một ca đặc biệt, khó.
"Nếu trong thời gian tiếp theo xét nghiệm mà kết quả vẫn âm tính thì khả năng chữa khỏi là 80-90%, vì đột biến di truyền đã hết. Ca ghép bước đầu thành công, nhưng vẫn phải theo dõi 5 năm nữa mới nói điều trị khỏi hay chưa, vì thực tế vẫn có khả năng tái phát", giáo sư Trí nói.
Ngày 9/11, bệnh nhân được xuất viện nhưng vẫn tiếp tục điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép. Đồng thời trong 3 tháng đầu thì định kỳ kiểm tra 2 tuần một lần, sau đó là hàng tháng. Sau 6 tháng ổn định bệnh nhân sẽ được dừng thuốc và sẽ chỉ theo dõi các xét nghiệm. Sau 1 năm, có kế hoạch điều trị viêm gan C cho bệnh nhân.
Thuần biết mình mắc bệnh vào tháng 9/2005, khi bắt đầu vào học năm thứ nhất khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Quốc gia Hà Nội. Lần đó tình cờ vào Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thăm người bệnh về máu, cô gái trẻ nhận thấy nhận thấy mình cũng có những triệu chứng như vậy.
Sau xét nghiệm máu, bác sĩ yêu cầu cô phải nhập viện ngay. Cũng từ đó, cuộc sống của cô gắn liền với bệnh viện, với những đợt truyền hóa chất trường kỳ. Thế nhưng, 7 năm đó vẫn không mang lại một chút hy vọng nào.
Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội) cho biết, Thuần bị bệnh Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, một dạng ung thư máu hay dân gian gọi là bệnh máu trắng. Đặc trưng của bệnh là tổn thương nhiễm sắc thể đặc hiệu PH1, do đột biến gene. Tuy nhiên, dù đã điều trị 2 năm bằng thuốc điều trị nhắm đích, phương pháp điều tối tân nhất hiện nay nhưng bệnh vẫn không tiến triển tốt hơn.
Cơ hội sống cuối cùng đã mỉm cười với cô gái giàu nghị lực Diệu Thuần. Ảnh: P.N. |
"Cơ hội duy nhất của bệnh nhân lúc này là ghép tế bào gốc tạo máu. Tuy nhiên ghép tế bào gốc tạo màu đồng loại tỷ lệ thành công 60-70%, tỷ lệ biến chứng cũng lên đến 30%. Không những thế việc tìm người cho phù hợp với tất cả các tiêu chuẩn không phải đơn giản. Thường chỉ có khoảng 10% bệnh nhân có khả năng ghép được", bác sĩ Khánh cho biết.
Bệnh nhân Thuần may mắn có người anh trai sẵn sàng hiến tế bào gốc. Tuy nhiên, chỉ số hòa hợp giữa người cho và người nhận chỉ đạt 5/6, chưa phải là chỉ số lý tưởng cho việc ghép. Không những thế, thời gian mắc bệnh của cô gái quá lâu - 7 năm, trong khi để đạt tỷ lệ thành công cao nhất thì cần tiến hành ghép càng sớm càng tốt, trong một năm sau khi được chỉ định.
Một khó khăn nữa trong ca điều trị cho Thuần là cô có virus viêm gan C. Người bình thường thì không có vấn đề gì. Nhưng với bệnh nhân ung thư máu, miễn dịch giảm, đặc biệt khi điều trị ghép thì lại dùng hóa chất cao, mạnh nên sức đề kháng giảm, gần như bằng không. Trong khi virus viêm gan C chỉ chờ cơ hội khi cơ thể yếu thì phát triển, hoạt động trở lại. Nếu nó hoạt động khi đang trong giai đoạn ghép thì tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong lên đến 100%, bác sĩ Khánh cho biết.
Nhưng nếu không tiến hành ghép thì nguy cơ bệnh sẽ diễn biến sang giai đoạn mới, ung thư máu thể cấp tính. Khi đó thì 100% bệnh nhân tử vong sớm trong 6 tháng, không thể điều trị được.
Với 7 năm trải nghiệm căn bệnh máu trắng, Thuần đã viết cuốn tự truyện Như hoa hướng dương, Ảnh Diệu Thuần trước ca ghép tế bào gốc: Minh Phương. |
Cũng vì những khó khăn trên mà việc đưa Thuần sang Israel chữa trị đã không được chấp thuận. Dù vậy, các bác sĩ cũng như gia đình và bản thân Thuần vẫn quyết định đánh cược với số phận - ghép tế bào gốc. Tháng 9 vừa rồi, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) đã thực hiện ca ghép. Bệnh nhân được hội chẩn với chuyên gia Mỹ và trước hội đồng khoa học của Viện.
"Chúng tôi cũng rất dè dặt trong vấn đề tiên lượng vì bệnh nhân phát bệnh đã 7 năm. Bệnh nhân cũng rất gầy yếu, chỉ được 37 kg", bác sĩ Khánh nói.
Lần này may mắn đã mỉm cười với cô gái trẻ giàu nghị lực. Đến nay, kinh phí điều trị cho Thuần là 260 triệu đồng, rẻ hơn khoảng 10 lần so với việc đi chữa ở Singapore hay Mỹ. Trong đó, bảo hiểm đã thanh toán 180 triệu.
Nam Phương