Nổi danh trong đám giang hồ người Hoa Chợ Lớn, y là tay bài máu mê, tính tình hào phóng sẵn sàng giúp đỡ các tay anh chị hoạn nạn, có quan hệ mật thiết với quan chức chế độ Sài Gòn, giới tư sản gốc Hoa lẫn xã hội đen Chợ Lớn.
Sau 1975, Tài Ngạn bám lấy cơ sở sản xuất thủy tinh, thuộc da của gia đình ở Phú Thọ, tỏ ra là người lương thiện chăm chỉ làm ăn, dù vẫn giữ liên hệ với giới giang hồ.
Năm 1978, Tài Ngạn bắt đầu lộ mặt qua phong trào vượt biên. Đám tư sản người Hoa tổ chức một đường dây đưa người sang Thái Lan, tin cậy giao cho hắn thương thuyết tiền nong với những ai có nhu cầu. Ngoài ăn tiền ở khâu tổ chức, Ngạn còn vớ bẫm ở khoản đóng tàu. Công việc làm ăn khá phát đạt, tin tức từ các thuyền nhân ở Thái Lan gửi về càng củng cố thêm danh tiếng Tài Ngạn. Nhưng khi đường dây tổ chức vượt biên bị hốt, hắn đành chịu chung số phận.
Phất lên thời mở cửa
Ra tù, Tài Ngạn quay về lò thủy tinh ở quận Tân Bình, nép mình chờ thời. Đến thời mở cửa, hắn tung vốn mở một nhà hàng Trung Hoa trên đường Nguyễn Văn Sâm, lấy tên là Phúc Lâm Môn. Hôm khai trương, khách mời được chia làm 3 nhóm: quan chức chính quyền, giới buôn bán làm ăn và đám giang hồ Sài Gòn Chợ Lớn. Bằng sợi dây Phúc Lâm Môn, Tài Ngạn nối vòng tay lớn với cả giới trắng lẫn đen. Với việc đổ tiền đầu tư vào công ty xóc đĩa, tài xỉu ở 148 Tôn Đản, tình anh em giữa Tài Ngạn và Năm Cam nhanh chóng nảy nở và ngày càng thắm thiết.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Tài Ngạn thành ông trùm xã hội đen Chợ Lớn, lại có thêm Năm Cam đứng sau lưng ủng hộ, nên được toàn bộ giới giang hồ gốc Hoa vị nể.
Sai lầm đại kỵ
Phất lên thành tỷ phú, Tài Ngạn lao đầu vào những canh bạc tiền tỷ. Năm 1994, chỉ trong một tháng ở sòng xóc đĩa 148 Tôn Đản, y đã nướng hơn 4 tỷ đồng. Xe hơi, nhà cửa nhanh chóng đội nón ra đi. Trong lúc đó, các sòng bạc riêng của y tại khu Văn Thân quận 6, sòng tài xỉu quận 8, sòng bài cẩu đặt ngay tại nhà lại thất thu. Khu nhà thênh thang đường Âu Cơ phải đem cầm cố, nhà hàng khởi nghiệp Phúc Lâm Môn cũng sang lại cho người khác. Giới cờ bạc truyền nhau, Tài Ngạn đã mắc phải đại kỵ của chủ sòng: Không bao giờ được phép ngồi xuống chiếu bạc. Đã lấy tiền xâu hồ, lại còn muốn dùng gậy ông để phang chết cả lũ ông, thì "tổ thần bài không bao giờ phù hộ".
Năm 1998, Năm Cam đi cải tạo về, móc nối lại với anh em trong thế giới ngầm Sài Gòn. Tài Ngạn đến trình diện, vạch trời chỉ đất thề không đánh bạc nữa, nên được ông trùm bỏ vốn tậu cho một biệt thự 4 tầng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 để mở sòng. Đây là casino thượng lưu của Năm Cam. Trong thời gian này, người ta còn thấy hắn hay xuất hiện bên cạnh ông trùm trong các bữa tiệc chiêu đãi đám thương nhân Hong Kong, Đài Loan tại các khách sạn lớn, giữ vai trò thông dịch, soạn thảo văn bản làm ăn giữa các bên.
Từ năm 1998 đến khi Năm Cam sa lưới, Tài Ngạn bắt đầu phục hồi phong độ, đóng góp tích cực cho tập đoàn Năm Cam, được ông trùm ưu ái, hứa hẹn ban thưởng một lãnh địa trong vùng Chợ Lớn. Nhưng giấc mơ chưa thành, đế chế Năm Cam đã sụp đổ. Hơn 1 tháng sau khi ông trùm sa lưới, Tài Ngạn cũng theo chân vào tù.
(Theo Thanh Niên)