Làm việc với Khu công nghệ cao và Đại học quốc gia TP HCM hai ngày cuối tuần này, nhiều Việt kiều tỏ ý mong muốn đóng góp sức mình cho phát triển kinh tế, xã hội; song bao năm qua không ít ý tưởng được đưa ra nhưng chưa thực sự được sử dụng hay biến thành hiện thực.
Ví như ông Nguyễn Quốc Vọng, giáo sư Việt kiều chuyên về nông nghiệp tại Australia, ba năm qua hết sức tâm huyết với đề án sản xuất rau sạch tại Củ Chi, từ thời Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn giữ chức Phó chủ tịch UBND TP HCM. Theo giáo sư Vọng, rau quả Việt Nam đã đến lúc phải làm tăng giá trị gia tăng để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Song, đến nay, dự án này mãi vẫn chưa phát huy hiệu quả vì quyền quản lý thuộc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố. Giáo sư Vọng quyết định chuyển ra Hà Nội, về nước hẳn để chuyên tâm làm giám đốc Trung tâm xuất sắc rau quả, thuộc Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress, ông Vọng nói muốn đưa nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành học hỏi từ nước ngoài về Việt Nam hơn nữa để phát triển ngành nông nghiệp trong nước. Song chưa có nhiều cơ hội để ông phát huy khả năng của mình.
![]() |
Nhiều Việt kiều tận dụng cơ hội gặp lãnh đạo TP HCM để trình bày ý tưởng đóng góp phát triển công nghệ cao Việt Nam. Ảnh: P.A. |
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP HCM cho rằng, khó khăn chính mà Việt Nam đang và sẽ gặp phải trong sự hội nhập kinh tế toàn cầu là thiếu nhân sự cao cấp và chuyên nghiệp, đặc biệt là những người có tố chất cũng như khả năng lãnh đạo.
Song để có được những người đầu ngành không phải chỉ đào tạo trong ghế nhà trường, trong 2-5 năm như đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mà cần có thời gian tích luỹ kinh nghiệm trong môi trường tốt. Do đó theo ông Bình, bước đầu cần tận dụng trí thức Việt kiều có chuyên môn cao, có kinh nghiệm làm việc ở các nước tiên tiến, có ngoại ngữ tốt.
Tuy nhiên hiện nay chính sách của Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều trí thức Việt kiều về nước. Trong đó, nguyên nhân cơ bản được tiến sĩ Bình phân tích là vì đồng lương Việt Nam trả không cạnh tranh với nước ngoài, điều kiện làm việc không phù hợp, chuyên gia Việt kiều không được ổn định chỗ ở mà phải thay đổi từ nước ngoài về nước hoặc chưa được mua nhà trong nước...
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TMA Solution chuyên về phần mềm, ông Nguyễn Hữu Lệ khẳng định, chọn trở về Việt Nam sinh sống và đầu tư vì ông là nhà kinh doanh và rất thực tế. Kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tốt, mang lại nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là ngành gia công phần mềm như công việc của TMA Solution.
Song ông Lệ cũng cho rằng, những thành công của doanh nghiệp, trí thức Việt kiều tại Việt Nam hiện nay cũng chỉ nhờ sự nhạy bén của từng người, hơn là được hỗ trợ từ chính sách nhà nước. Ví dụ như để thành công, các doanh nghiệp phải tự đầu tư, xác định chú trọng vào khâu nghiên cứu phát triển (R&D) như sự sống còn, chứ không phải tạo điều kiện từ Nhà nước.
Ông Lệ cũng đề xuất, về cơ bản để phát triển một ngành công nghiệp phần mềm, thậm chí là ngành công nghiệp R&D, nhà nước nên đóng vai trò kết nối để tạo ra những trung tâm nghiên cứu có tầm quốc gia và giữ vai trò chủ đạo. Trung tâm này vừa nối kết các nhà trí thức trong nước và Việt kiều, vừa tận dụng hiểu biết của người Việt ở nước ngoài để phát triển ngành, tránh lãng phí cục bộ như hiện nay.
Phan Anh