Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản Lê Huy Hoàng cho rằng, đã đặt mục tiêu bỏ thi tốt nghiệp tiểu học là giảm áp lực, bớt tốn kém thì con đường duy nhất vào lớp 6 là xét tuyển chứ không thể thi tuyển. Với các trường trọng điểm thì có thể tổ chức thi, còn lại xét tuyển đại trà vào bán công, công lập.
Việc xét tuyển vào lớp 6 nên thực hiện theo địa bàn trường tiểu học trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu cho từng phường. Tùy kinh tế của địa bàn phường, khu vực nội thành hay vùng ven mà giao chỉ tiêu công lập, bán công theo tỷ lệ khác nhau. Khu vực phường nghèo có thể giao 80% công lập, 20% bán công. Ngược lại những phường phát triển có thể tăng tỷ lệ bán công hơn. Điểm chuẩn cũng sẽ được đặt ra khác nhau cho nhiều khu vực.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai: "Trước kia, vì kỳ thi tuyển vào lớp 6 quá nặng nề nên ngành mới gộp hai kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và tuyển sinh lớp 6 thành một kỳ thi. Nay nếu thay thế thi tốt nghiệp tiểu học bằng kỳ kiểm tra học kỳ II, nhưng lại tổ chức thi tuyển lớp 6 thì vô tình trở về con đường ngày xưa. Vì thế cần cân nhắc để có một phương án tuyển sinh tối ưu và công bằng". |
Việc xét tuyển sẽ chia làm ba giai đoạn: giai đoạn 1, học sinh thi vào trường chất lượng cao (có thể dùng đề của phòng giáo dục); giai đoạn 2 : cho phụ huynh HS đăng ký theo nguyện vọng và giai đoạn 3 phân theo địa bàn.
Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Thu Nga, Phó phòng GD&T quận Phú Nhuận, phải thi mới công bằng. Bởi kiểm tra học kỳ II (ở lớp 5) thường không có kinh phí như các kỳ thi và quan trọng là không có những quy chế ràng buộc nên việc coi thi, chấm thi khó chặt chẽ. Lấy kết quả này xét tốt nghiệp tiểu học thì được nhưng để tuyển vào lớp 6 là không hợp lý.
"Theo tôi, nên tổ chức thi tuyển vào lớp 6 và cho học sinh đăng ký thi theo nguyện vọng. Nguyện vọng 1, học sinh có thể chọn trường trọng điểm; nguyện vọng 2 vào một trường công lập nào đó. Nếu vẫn không đậu thì được phân bổ vào bán công theo địa bàn" - bà Nga nói. Và để tránh phát sinh chuyện luyện thi, không nên kéo dài thời gian mà tổ chức thi tuyển lớp 6 sớm trong tháng năm. Những em nào cảm thấy yếu không cần thi thì thôi, cứ để phòng giáo dục tự phân bổ.
Bên cạnh đó vẫn có ý kiến cho rằng việc tồn tại những trường THCS chất lượng cao là một dạng biến tướng của trường chuyên và như vậy là trái với nghị quyết của trung ương. Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Thành kiến nghị: "Nếu tình hình chưa cải thiện ngay được, theo tôi, có thể áp dụng biện pháp tạm thời: chọn ra một số trường đang chịu áp lực cao trong mùa tuyển sinh để tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Nhưng phải có cơ chế riêng cho những trường này: thu học phí cao hơn so với các trường khác. Bên cạnh đó cũng phải quy định chế độ miễn giảm đặc biệt cho những học sinh nghèo khi vào học ở các trường này. Các trường THCS còn lại cứ tuyển học sinh theo địa bàn gần nhất, không cần phải thi tuyển chỉ thêm tốn kém".
TS Dương Thiệu Tống cũng cho rằng bỏ thi tốt nghiệp tiểu học là hợp lý nhưng nhiều loại hình trường THCS tồn tại (trường chất lượng cao, trọng điểm, công lập, bán công...) sẽ rất khó tạo được sự công bằng trong tuyển sinh lớp 6. Ông nói: "Theo tôi, ngành giáo dục nên định hướng phát triển theo xu thế chung của các nước trên thế giới: một trường học giảng dạy liên thông từ cấp tiểu học đến THPT. Học sinh kết thúc bậc học này sẽ được tiếp tục học lên bậc học cao hơn, không phải trải qua thi tuyển hay xét tuyển như hiện nay".
(Theo Tuổi Trẻ)