Ngay sau khi có thông tin về vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở tỉnh Attapeu, Lào, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Vientiane và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse tìm hiểu thông tin và triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có người Việt Nam bị ảnh hưởng.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse đã cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường để theo dõi tình hình, làm việc với các cơ quan chức năng hai tỉnh Champasak và Attapeu.
Theo thông tin của các cơ quan chức năng Lào, đến ngày 26/7, chưa phát hiện trường hợp người Việt mất tích; 15 hộ gia đình người Việt sống trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ đã được sơ tán đến khu vực an toàn; 26 công nhân của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã được đưa về trụ sở của công ty tại Attapeu để sớm về nước.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào và tại các nước lân cận chịu ảnh hưởng như Campuchia tiếp tục theo dõi diễn biến, chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các gia đình người Việt, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại và cơ quan chức năng trong nước để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Đập phụ "Saddle dam D" của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào bị vỡ vào tối 23/7, gây ngập nhiều ngôi làng ở vùng hạ lưu. Hơn 6.000 người đã bị ảnh hưởng và gần 3.000 người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa. Thủ tướng Lào ngày 25/7 cho biết 131 người mất tích, trong đó không có công dân nước ngoài.
Những ngôi làng nằm dọc theo sông Sekong ở tỉnh Stung Streng, miền bắc Campuchia và là vùng hạ lưu của hệ thống sông Xe-pian Xe-Namnoy, cũng bị tàn phá khi nước lũ trong vụ vỡ đập ở Lào tràn sang hôm 25/7.
Chính quyền tỉnh Stung Streng đã khẩn trương sơ tán 1.200 hộ gia đình với 5.619 người từ 17 ngôi làng trên 4 xã thuộc huyện Siempang. 700 binh sĩ, cảnh sát và nhân viên cứu hộ được triển khai đến tham gia chiến dịch cứu hộ.
Huyền Lê