Tôi cho rằng thời điểm hiện tại chưa phải lúc thích hợp để EVN đề nghị tăng giá.
EVN cho rằng, trong tổng số hơn 10 triệu hộ khách hàng đang sử dụng điện thì có 1,137 triệu hộ sử dụng thường xuyên dưới 30 kWh một tháng, 1,2 triệu hộ sử dụng từ 30 kWh đến 50 kWh một tháng. Khoảng 4 triệu hộ khác sử dụng khoảng 50-100 kWh. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng điện dưới 30 kWh một tháng là 11,18% và từ 30-50 kWh khoảng 12% nữa - chiếm khoảng 23% tổng số hộ khách hàng sử dụng điện. Theo EVN, việc tách ra làm hai bậc thang vẫn bảo đảm số hộ nghèo không bị ảnh hưởng bởi tăng giá điện, bởi giá bán điện cho 50 kWh đầu giữ nguyên 550 đồng cho mỗi kWh.
Theo tôi, EVN đưa ra các con số thống kê và kết luận như trên là chưa thuyết phục. EVN chỉ nói đến người dân nghèo không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá điện một cách trực tiếp, máy móc mà không tính đến hệ quả chung là gì và ảnh hưởng đến ai.
EVN cố tình quên đi cái lý là hầu hết các ngành sản xuất, dịch vụ của nền kinh tế bị phụ thuộc vào ngành điện. Theo đó, nếu điện tăng giá thì hầu hết giá sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo nữa (tương tự như giá xăng dầu tăng thì cước vận tải cũng tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo). Cuối cùng thì ai là người chịu thiệt thòi nhiều nhất, đó là người dân nghèo.
Dân nghèo thì thu nhập thấp, trong khi cái gì cũng tăng giá, bây giờ giá lại tăng thêm do điện tăng. Vậy EVN "vẫn bảo đảm số hộ nghèo không bị ảnh hưởng bởi tăng giá điện" là như thế nào?