Hôm 18/6, Chùa Nghệ sĩ, ở quận Gò Vấp, được thay tấm biển mới với dòng chữ Nghĩa trang Nghệ sĩ, kèm theo tên Hội sân khấu TP HCM. Bà Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch Hội sân khấu - cho biết quyết định được đưa ra sau khi Hội họp ban chấp hành, do đơn vị không có chức năng quản lý chùa.
Thời gian qua, Ban Ái hữu Nghệ sĩ (trực thuộc Hội) cũng tiến hành mời các sư tại chùa dọn ra ngoài, các hoạt động tại chùa ngừng lại. Phần nghĩa trang dành cho nghệ sĩ - bao gồm các chỗ chôn cất và thờ tro cốt - được giữ nguyên. Đại diện Hội nói thời gian tới, đơn vị tu chỉnh để giữ mỹ quan của di tích, tạo không gian thăm viếng khang trang cho công chúng. Ngoài ra, Hội cho biết dự tính có buổi họp để thông tin rõ với báo chí, do vấn đề liên quan nhiều bên về pháp lý.
Sự việc Hội sân khấu TP HCM đổi tên Chùa Nghệ sĩ gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng động thái này có thể khiến tên di tích bị xóa bỏ, dần biến mất trong tâm tưởng người nhiều thế hệ. Ông Trần Đại Phú (66 tuổi) - khán giả nhiều năm gắn bó với chùa - cho biết buồn vì vài tháng qua, các hoạt động tụng kinh, thắp hương, mở đèn ở chánh điện đều ngưng. "Tôi hy vọng di tích này vẫn giữ cái tên như cũ, bởi đây là nơi quen thuộc của công chúng trong thành phố vài chục năm qua. Tôi đi xe ôm, chỉ cần nhắc đến tên Chùa Nghệ sĩ thì ai cũng biết", ông Phú nói.
Ca sĩ Chế Thanh cho biết tiếc nuối nhưng phần nào thông cảm trước quyết định của đơn vị quản lý. "Hàng chục năm trước, ngôi chùa là di tích nổi tiếng nhưng về sau, theo sự phát triển của đô thị, tài nguyên môi trường ngày càng khan hiếm, việc chùa bị quy hoạch là chuyện có thể nhìn thấy trước. Tôi hy vọng phần nghĩa trang còn lại sẽ được tu sửa khang trang, tiếp tục là chốn viếng thăm của đông đảo khán giả mộ điệu", ca sĩ nói. Chế Thanh từng gửi tro cốt của mẹ - trưởng đoàn cải lương Bạch Hoa Liên - lên Chùa Nghệ sĩ hơn 10 năm trước, mới đưa về để thủy táng cách đây một tuần.
Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự) nằm ở địa chỉ 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM. Theo một số tư liệu, năm 1958, nghệ sĩ Phùng Há được Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế tài trợ mua đất làm nơi yên nghỉ cho nghệ sĩ cải lương. Sau khi bà Phùng Há mua mảnh đất 6.080 m2, gần 10 năm, chùa chưa được xây vì thiếu kinh phí. Năm 1969, bầu Năm Công (Lê Minh Công) xin nghệ sĩ Phùng Há cho dựng am để tu hành. Năm 1970, sau khi am hoàn thành, bầu Năm Công quyết định bán vì không còn tiền trả nợ. Bầu Xuân (gánh Dạ Lý Hương) mua lại am với giá gần 100 cây vàng, sau đó xây thành chùa, một phần diện tích làm nơi mai táng của nhiều nghệ sĩ và thân nhân.
Hơn nửa thế kỷ, đây là nơi an nghỉ của nhiều tên tuổi nổi tiếng như soạn giả cải lương Hà Triều - Hoa Phượng, Thu An, nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Hoàng Giang, Trường Xuân, Bảy Cao, Minh Phụng, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, Lê Công Tuấn Anh... Tính đến năm 2008, khuôn viên nghĩa trang của chùa có 600 ngôi mộ, hơn 500 lọ cốt.
Mai Nhật