Anh Nguyễn Trọng Đạt ở phố Minh Khai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết, anh bị lên hạch to ở vùng quai hàm dưới tai và đau nhức một bên tinh hoàn. Ngày 15/5, anh đến Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm khám. Sau khi đóng 100.000 đồng lệ phí, anh được đưa lên tầng 2 gặp bác sĩ Cường. Tại đây, bác sĩ khám sơ bằng tay và kết luận "bị viêm tinh hoàn, khỏi phải siêu âm hay xét nghiệm, nhìn là rõ rồi”. Bác sĩ kê đơn, bảo anh Đạt đi nộp tiền nhưng vì đau anh nhờ một nữ y tá nộp hộ. Người này nhận lời, báo lại hết 945.000 đồng tiền truyền thuốc và nằm sóng ngắn, không có biên lai.
Sau đó, anh Đạt được truyền thuốc, chiếu sóng ngắn - theo lời của nhân viên phòng khám là “triệt tiêu viêm, cắt cơn đau”. Toa thuốc ghi thời lượng sử dụng máy là 20 phút và trong quá trình đó nhân viên kỹ thuật phải liên tục thay đổi xung lượng theo chỉ dẫn.
"Thực tế không ai làm việc thay đổi này. Chưa đầy 20 phút, một nhân viên bước vào tắt máy bảo xong. Tôi hỏi y bạ thì người nọ chỉ sang người kia với lý do 'ở đây không trả y bạ, cứ để đó mai khám'. Tôi nói phải có y bạ để biết các anh chị đưa loại thuốc gì vào người. Sau cùng họ đến phòng ông Cường lấy y bạ trả tôi”, anh Đạt kể.
Đêm đó đau và sốt không dứt, anh Đạt gọi điện cho bác sĩ thì được hướng dẫn uống thuốc giảm đau. Sáng 16/5, anh đến phòng khám này điều trị tiếp và được đưa thẳng lên truyền thuốc, nằm sóng ngắn. Tại đây, anh thấy một số bác sĩ đeo khẩu trang, nói với nhau bằng tiếng Hoa.
Sáng 17/5, anh Đạt gặp bác sĩ Cường và thắc mắc sao điều trị hai ngày mà tinh hoàn lại sưng to gấp đôi. "Bác sĩ khám lại và thừa nhận sưng to hơn, điều trị thêm buổi nữa theo cách giống hôm trước.
“Lần này vào phòng sóng ngắn tôi thử bấm đồng hồ, đúng 15 phút thì một nhân viên vào tắt máy rồi bảo về mai đến. Phẫn uất như bị lừa dối, tôi xuống lễ tân yêu cầu gặp người có thẩm quyền cao nhất làm rõ việc bị ăn bớt thời gian chữa trị, kết quả điều trị không hề thuyên giảm mà càng nặng. Thay vì lịch sự như lúc đầu, mọi câu trả lời đều là 'Anh tìm gặp bác sĩ điều trị mà hỏi?'”, anh Đạt kể lại.
Anh Đạt cho biết, hôm sau anh đến Bệnh viện Việt Đức khám, được chỉ định siêu âm và kết luận viêm tinh hoàn. Bác sĩ kê thuốc về nhà dùng và chỉ 2 ngày sau tình trạng sưng đau không còn, đến nay đã khỏi. "Bác sĩ nói may mà tôi có con rồi, và kịp thời ngưng điều trị ở phòng khám kia, nếu không có thể tôi sẽ bị vô sinh", anh kể.
Chiều 22/5, những người đến khám tại phòng khám Thiên Tâm chủ yếu còn khá trẻ, biết đến phòng khám này qua quảng cáo trên mạng. Họ chỉ được ghi tên, thu 100.000 đồng tiền khám, không có biên lai hay sổ khám. Là một bệnh nhân tại đây, anh Nguyễn Văn Toàn (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết đã có vợ và hai con, sức khỏe tình dục hoàn toàn bình thường và muốn khám bao quy đầu. Anh Toàn cũng được đưa đến gặp bác sĩ Cường. Khám sơ bằng tay, bác sĩ này kết luận: “Quy đầu thế này thì làm sao mà có con được, cương thế nào được”, đồng thời giới thiệu phương pháp cắt bao quy đầu tại đây bằng công nghệ Hàn Quốc, đảm bảo thẩm mỹ, chi phí tiểu phẫu 5 triệu đồng.
Ông Lê Quang Sơn, Giám đốc Phòng khám đa khoa Thiên Tâm nói rằng bác sĩ Cường - người được giao khám nam khoa tại đây - là bác sĩ chuyên về nội khoa, vốn công tác tại Trung tâm y tế huyện Thường Tín (Hà Nội). “Các bệnh nam khoa thì chủ yếu can thiệp bằng thuốc, vì thế phải dùng bác sĩ nội khoa”, ông Sơn lý giải.
Về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Trọng Đạt, ông Sơn cho rằng, bệnh viêm tinh hoàn cần điều trị lâu dài. Phác đồ sử dụng cho anh là truyền kháng sinh và nằm sóng ngắn là hợp lý, nhưng vì anh Đạt mới chữa 3 hôm đã ngừng nên chưa có hiệu quả. “Nếu kết thúc đợt điều trị mà bệnh không khỏi thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm”, ông nói.
Ông Sơn bác bỏ phản ánh của anh Đạt về thời gian trị liệu chỉ là 15 phút trong khi kê toa 20 phút. Theo ông, có thể đây là cảm giác của bệnh nhân, "bởi chắc chắn các y tá không ăn gian, hơn nữa bệnh nhân không quá đông nên không cần vội". Ông cũng lý giải, thường sau một đợt điều trị nếu người bệnh yêu cầu, phòng khám sẽ cấp hóa đơn đầy đủ chứ không đưa phiếu thu lắt nhắt hằng ngày để giảm thiểu thủ tục hành chính.
Ông cho biết, cơ sở của mình đã hoạt động được 2 năm và không có bác sĩ Trung Quốc. Việc người bệnh nghe thấy có nhân viên ở đây nói tiếng Hoa thì có thể đó là người của hãng cung cấp thiết bị đến lắp.
Giải thích về việc bác sĩ Cường chưa được cấp phép của Sở Y tế đã tham gia khám bệnh, ông Sơn cho biết, đã nộp hồ sơ xin bổ sung bác sĩ Cường (cùng với một bác sĩ Trung Quốc) nhưng chưa được duyệt. "Chúng tôi đã ký hợp lao động với bác sĩ Cường nên phải bố trí cho anh làm việc", ông nói.
Theo một bác sĩ tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, Hội tiết tiệu các nước phát triển như Anh, Mỹ và tại Việt Nam không khuyên dùng sóng ngắn khi điều trị viêm tinh hoàn. Phác đồ điều trị bệnh này là dùng kháng sinh hợp lý, kết hợp với giảm đau, chống viêm. Bệnh nhân viêm tinh hoàn thường được điều trị ngoại trú khoảng 7 ngày là khỏi, và 2-3 ngày dùng thuốc hợp lý là hết đau, sưng.
Bác sĩ này cho biết, việc phát hiện viêm tinh hoàn không khó, nhưng đây là bệnh dễ nhầm với xoắn tinh hoàn - một bệnh lý cấp tính, nguy hiểm, phải mổ trong vòng 6 giờ đầu, nếu không tinh hoàn sẽ hoại tử - vì thế khi chẩn đoán, cần phải siêu âm kỹ để kết luận chính xác, không thể chỉ nhìn bằng mắt thường. Và việc này phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa nam học, tiết niệu.
Hai năm qua, hàng loạt phòng khám tư tại Hà Nội như Phòng khám Maria (Thái Thịnh), Phòng khám Việt Hải (Giải Phóng)... bị phát hiện mắc nhiều sai phạm như quảng cáo "vống" khả năng, dùng bác sĩ Trung Quốc không phép, giá khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết, không có y bạ., hét giá trên trời.. Nhiều bệnh nhân phải chi hàng chục triệu đồng chỉ để chữa các bệnh rất đơn giản như viêm phụ khoa. Các phòng khám này đã bị Sở Y tế thanh tra, xử phạt nhưng sau đó vẫn tiếp tục các chiêu trò "moi tiền" của người bệnh. Đặc biệt, cuối năm 2012, Phòng khám Maria bị đình chỉ sau khi gây chết người vì lạm dụng kỹ thuật cao.
Minh Thùy