Từ nhỏ, cứ mỗi lần đi chơi thả diều ngoài đồng về, nhất là vào những chiều đông gió lùa là tôi hay bị ngứa ngáy khó chịu, toàn thân bị nổi mề đay đỏ ửng từng đám, càng gãi thì đám mề đay càng lan rộng, sần sùi và đau rát. Khi đó, cha mẹ tôi lấy tấm lưới từ cái vó cũ ra, hơ nóng và chườm lên khắp cơ thể, đắp chăn phủ kín thì dần dần các đám mề đay cũng hết, nhưng những vết xước gãi do mề đay để lại vẫn còn.
Khi có con, tôi tìm hiểu thì được biết bệnh dị ứng cơ địa có thể di truyền từ cha sang con. Vợ chồng tôi rất lo lắng cho Chóp-bu bị chứng bệnh này nên tìm mọi cách để phòng ngừa cho con.
Theo kinh nghiệm dân gian, chúng tôi thường tắm cho cháu bằng nước lá khế hoặc nước tầm bốp dây. Lá khế tươi thì sẵn có và dễ tìm, nhưng tầm bốp dây thì hiếm hơn và chỉ có theo mùa, do vậy cứ đến mùa tầm bốp dây là chúng tôi đi kiếm về, phơi khô để dành. Mỗi tuần tôi tắm cho con bằng nước lá theo kinh nghiệm dân gian một lần, có bỏ thêm một số lá như lá sả, lá hương nhu nên có vị hương rất dễ chịu.
Mỗi khi đi ra ngoài thì chúng tôi thường mặc cho bé đủ kín để tránh gió, tác nhân chính gây mề đay.
Do đã ý thức được chứng bệnh này nên từ nhỏ chúng tôi đã cố gắng cho con bú sữa mẹ càng nhiều càng tốt, vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầy đủ nhất cung cấp nhiều dinh dưỡng, vitamin và kháng thể cho cơ thể bé khỏe mạnh. Khi bé bắt đầu ăn dặm thì bổ sung thêm sữa bột, khi bé hoàn toàn cai sữa thì mỗi ngày cho bé uống ít nhất ba ly sữa để bổ sung thêm khoáng chất.
Đến nay Chóp-bu đã hơn tám tuổi, cũng không hiểu là do cháu may mắn không bị di truyền từ bố hay do được tắm nhiều bằng nước lá mà chưa bị nổi mề đay lần nào. Tuy vậy, trong nhà vẫn trữ sẵn một tấm lưới cũ phòng khi con có hiện tượng nổi mề đay là điều trị ngay.
Đỗ Minh Thuyết