Trao đổi với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, ông Nguyễn Văn Thu, phòng 318 nhà C8 cho biết, gia đình ông đã sống tại đây hơn 30 năm, mong muốn của gia đình là khu nhà được xây dựng mới và tái định cư tại chỗ. Nhà nước cũng nên có lộ trình 5-10 năm đầu tư xây mới khu nhà để người dân chuẩn bị.
Một số chủ nhà khác cũng cho hay, họ không muốn di dời đi chỗ khác vì đã định cư ổn định tại khu nhà này nhiều năm, nếu di dời đi nơi khác sẽ ảnh hưởng đến sinh hoat, việc học hành của con cái. Họ cũng cho rằng, nhà C8 vẫn còn khá kiên cố, không bị lún nứt, không bị thấm dột khi trời mưa.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nghe những ý kiến của người dân sống trong khu nhà, xem xét tình trạng xuống cấp tại cầu thang, kết cấu tòa nhà... Ông cho biết những ý kiến, nguyện vọng của người dân là chính đáng, các cơ quan nhà nước cần phải tiếp thu.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc cải tạo chung cư cũ có nhiều vướng mắc khi cân đối lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân. Dự án đảm bảo đồng thuận 80% số hộ dân nên việc giải phóng mặt bằng rất nan giải. Ngoài ra, mục tiêu của thành phố là không tăng dân cư trong nội đô nên việc cân đối độ cao tầng để đảm bảo vốn đầu tư càng khó khăn hơn.
Ông Hùng đề xuất Sở Quy hoạch sẽ thiết kế quy hoạch 1/500 tại một số khu chung cư cũ rồi kêu gọi các nhà đầu tư, cùng với đó, thành phố sẽ xem xét các cơ chế hỗ trợ.
Trước thực trạng qua 10 năm, Hà Nội mới xây mới được 14 trong số gần 1.000 chung cư cũ, đại diện Sở Tài chính cho biết, chỉ riêng nhà N3 Nguyễn Công Trứ được đầu tư 503 tỷ đồng, trong khi đó, chủ đầu tư chỉ được thu hồi 222 tỷ đồng từ các hộ dân nên bị mất cân đối thu chi rất lớn. Toàn bộ dự án Nguyễn Công Trứ có giá trị 7.500 tỷ đồng, song chủ đầu tư đã bị mất cân đối 2.200 tỷ đồng.
![bo-truong-1-9890-1407837500.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/08/12/bo-truong-1-9890-1407837500.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nLljXoeJFkFoPIsMQjVz2A)
Một chủ hộ sống tại nhà C8 cho biết, mong muốn của gia đình là tái định cư tại chỗ. Ảnh: Đoàn Loan
Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, để nhà cũ nát bị sập, chết người thì trách nhiệm sẽ thuộc lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, khi thành phố quyết định di dời thì người dân không thực hiện. Thậm chí, người dân không tin cơ quan kiểm định chất lượng nhà của thành phố.
"Tôi từng sống tại nhà lắp ghép nên tôi hiểu, nhà sử dụng qua mấy chục năm là nứt toác ra rất nguy hiểm, cần phải di dời người dân", ông Thảo nói và cho rằng cải tạo nhà nguy hiểm là một nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá Hà Nội đã quan tâm khảo sát tình trạng xuống cấp của chung cư cũ và lựa chọn 165 công trình nguy cơ chất lượng kém, xây dựng mới 14 chung cư cũ. Tuy nhiên, kết quả còn rất thấp so với mong muốn và chưa đạt yêu cầu theo nghị quyết 34.
"Chúng ta chưa lường hết những khó khăn trong cải tạo chung cư", Bộ trưởng chia sẻ; đồng thời khẳng định, cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay vì phải đảm bảo an toàn cho người dân, mỹ quan của đô thị. Ông yêu cầu phải gia cố ngay những hạng mục không an toàn, kiên quyết đưa người dân ra khỏi nhà nguy hiểm.
Bộ Xây dựng khẳng định sẽ cùng Hà Nội nghiên cứu cơ chế đầu tư nhà chung cư cũ, như Nhà nước đứng ra cải tạo nhà chung cư bằng cách thuê doanh nghiệp làm hoặc Nhà nước giao cho doanh nghiệp làm theo hình thức BT, vì hiện nay doanh nghiệp trực tiếp thỏa thuận với người dân khi cải tạo nhà rất vất vả.
Đoàn Loan