Bệnh nhân, ngụ Bình Dương, xuất hiện hạch ở vùng cổ cách đây 6 năm, bác sĩ chẩn đoán ung thư hạch (còn gọi lymphoma), điều trị bằng hóa chất. Sau hai năm, bệnh tái phát, được hóa trị lần hai, vẫn đáp ứng. Hai năm trước, bệnh nhân tái phát lần ba, liệu pháp điều trị này không còn đáp ứng.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám tháng 7/2022, với khối hạch lớn khoảng 15 cm, được chẩn đoán u lympo không Hodgkin vỏ nang. Bệnh đã kháng trị kỹ thuật cũ, các bác sĩ hội chẩn tìm hướng điều trị mới. Ê kíp quyết định thực hiện đồng thời hai kỹ thuật cao, gồm ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI). Theo đó, bệnh nhân được hóa trị để làm sạch các tế bào ung thư, sau đó xạ trị toàn thân quét sạch các tế bào còn sót lại rồi ghép các tế bào máu mới.
Đây là lần đầu Chợ Rẫy tiến hành kỹ thuật xạ trị toàn thân. Ngày 27/9, TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết kỹ thuật xạ trị toàn thân chưa có bệnh viện công lập nào tại TP HCM thực hiện, chỉ có một cơ sở tư nhân triển khai và cần bác sĩ nước ngoài tiến hành.
Xạ trị được áp dụng từng cơ quan với các loại bướu đặc. Trường hợp các bướu lỏng như ung thư máu thì tế bào ung thư chạy khắp nơi, len lỏi khắp các mạch máu, "trốn luôn" vào não, tinh hoàn..., chỉ có xạ trị toàn thân mới tiêu diệt được.
Xạ trị toàn thân đòi hỏi phải có máy gia tốc và những phụ kiện kèm theo, đội ngũ nhân sự được huấn luyện đồng bộ. Cách đây không lâu, Chợ Rẫy được trang bị 4 máy gia tốc theo dự án ODA của Áo, nhờ đó các bác sĩ có thể triển khai kỹ thuật.
Với kỹ thuật ghép tế bào gốc, Chợ Rẫy thực hiện nhiều năm nay. Hiện, cả nước có hơn 10 bệnh viện ghép tế bào gốc với hơn 1.000 bệnh được ghép. Có hai phương pháp là tự ghép (lấy tế bào gốc của chính bệnh nhân truyền lại sau khi hóa trị) và dị ghép (còn gọi ghép đồng loài, tức lấy tế bào gốc của một người phù hợp với bệnh nhân để truyền).
5 tháng trước, bệnh nhân này được điều trị với 3 ngày liên tục xạ trị toàn thân, sau đó trải qua cuộc ghép tế bào gốc từ người hiến là chị gái 49 tuổi. Sau ghép tế bào gốc 30 ngày, mảnh ghép mọc hoàn toàn, bệnh nhân xuất viện sau 45 ngày, thay vì phải nằm viện 2-3 tháng như ghép tế bào gốc không có xạ trị. Khối bướu to 15 cm cũng biến mất.
Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã đi làm, quay lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày. "Nếu không có xạ trị toàn thân, bác sĩ chỉ ghép tế bào gốc, hiệu quả sẽ không bằng, khả năng tái phát sớm", bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Huyết học, nói.
Chi phí điều trị của bệnh nhân khoảng 270 triệu đồng, sau khi trừ bảo hiểm y tế chỉ đóng 100 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí một cuộc ghép tế bào gốc hiện nay khoảng 200-400 triệu đồng, do nằm viện dài, nhiều biến chứng hơn.
TS.BS Huỳnh Văn Mẫn, Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, cho biết 10 năm trước, ông từng bày tỏ với bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mong ước Việt Nam có thể xạ trị toàn thân để giúp nhiều bệnh nhân trước khi ghép tế bào gốc.
"Nay mong ước đã thực hiện được, lần đầu tiên xạ trị toàn thân có thể thực hiện bởi bác sĩ Việt Nam", bác sĩ Mẫn nói. Thời gian qua, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã chuyển khoảng 5 bệnh nhân đến bệnh viện tư để bác sĩ nước ngoài xạ trị toàn thân, trước khi đưa trở lại bệnh viện để ghép tế bào gốc.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá thành công này đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư, bởi phương pháp này ít tác dụng phụ, ít biến chứng và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn... Thời gian tới, Chợ Rẫy phối hợp với các bệnh viện huyết học để tăng cường hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân bệnh ung thư máu, góp phần cải thiện được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Lê Phương