Ba tháng nay, Minh Anh phải đi vay tiền sinh hoạt phí, xăng xe và cả tiền cà phê mỗi khi đi gặp đối tác. Cô gái 27 tuổi, quê miền Trung, đang làm việc ở TP HCM, tiết kiệm triệt để bằng cách nhịn ăn sáng, chỉ ăn nhẹ bữa tối, giới hạn tiền ăn mỗi ngày dưới 100 nghìn đồng.
"Bạn bè mình 10 người thì 8 thường xuyên rơi vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền. Mọi thứ ở thành phố này sau dịch đều tăng, chỉ có lương vẫn vậy", cô nói.
Khảo sát nhanh của VnExpress với hơn 600 độc giả cho thấy, hơn 31% có tháng tiết kiệm được, có tháng lương không đủ chi và 12% thừa nhận lương không thấp nhưng luôn lâm cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, thường xuyên phải vay mượn để duy trì cuộc sống.
Báo cáo "Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?" do ngân hàng HSBC công bố tháng 5/2021, cho biết chia theo đầu người lao động, nợ tiêu dùng đã cao hơn thu nhập của hộ gia đình ở Việt Nam. Năm 2013 vay nợ hộ gia đình chiếm 28% tổng cho vay của bốn ngân hàng lớn nhất (Big4) nhưng đến năm 2020 đã đạt 46%. Điều này đồng nghĩa, nợ hộ gia đình đã tăng từ 25% GDP lên 61% trong cùng giai đoạn.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), có nhiều nguyên nhân khiến cá nhân chi tiêu vượt quá thu nhập, một trong số đó là bất cập trong cách trả lương theo hệ số, trả lương cơ bản theo vùng.
"Ngoại trừ một số nhóm lao động có chuyên môn cao, số còn lại nếu làm đúng khung thời gian cơ bản, với cách tính lương như vậy, dù ở khối công hay tư cũng không đủ chi tiêu. Họ buộc phải làm thêm giờ, thêm việc khác mới đủ sống", ông nói.
Chị Thu Hòa, 34 tuổi, giáo viên mầm non ở Thanh Hóa, cho biết lương mỗi tháng, tính cả tiền đứng lớp là 4,5 triệu đồng. Khoản tiền này chẳng đủ mua quần áo mới, sách vở và đóng tiền học cho ba đứa con khi năm học mới bắt đầu, chưa nói đến các chi phí thiết yếu khác. Trong khi đó, chồng chị làm tự do, thu nhập bấp bênh sau đại dịch.
Nhiều đồng nghiệp của chị dạy cấp 1, cấp 2 đã phải dạy thêm ở nhà, bán hàng online. Không có vốn kinh doanh, ba tháng hè, khách du lịch ở Sầm Sơn đông, chị Hòa xin làm phục vụ cho nhà hàng, kiếm ngày 300 nghìn đồng. "Lương tôi còn thấp hơn lương em gái làm công nhân", chị nói.
Ông Lộc nhận định, nhiều người có thu nhập cao nhưng vẫn thiếu trước hụt sau bởi họ còn rất nhiều "khoản không tên" phải chi, như chi phí thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội, phục vụ nhu cầu công việc, phát triển bản thân... Điều đáng nói hơn là hầu hết đều không có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. "Nếu không đầu tư cho các khoản không tên đó, cá nhân không có nhiều cơ hội phát triển và dễ bị đào thải", chuyên gia giải thích.
Dẫn nghiên cứu của ADB Institute có tên "Fintech and Financial Literacy in Vietnam" công bố năm 2020, ông Lộc cho biết kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính của người Việt thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. So sánh về mức độ hiểu biết tài chính giữa các nhóm tuổi của người Việt, báo cáo này cũng chỉ ra, trên thang điểm 7, nhóm người từ 30-60 tuổi đạt 4,38 trong khi nhóm người dưới 30 là 4,83.
Ngoài ra, theo chuyên gia, hiện nay, các hình thức cho vay tiêu trước trả sau như trả góp, thẻ tín dụng... được thực hiện dễ dàng, kích thích nhu cầu chi tiêu của người dân.
Số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết năm 2021, Việt Nam có 12/46 tổ chức phát hành phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% so với năm 2019), số lượng thẻ tăng gần 62%. Trong 5 năm, lĩnh vực thẻ tín dụng tăng trưởng bình quân 23% mỗi năm.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng, nhiều gia đình trẻ không lường trước được những biến cố khó lường trong cuộc sống. "Không có xáo trộn trong đời sống hàng ngày, thu nhập ổn định, họ cứ nghĩ mùa xuân kéo dài mãi, không biết có mùa xuân ắt sẽ có mùa đông. Khi có tiền, họ chi tiêu phóng khoáng, thiếu tính toán nên thâm hụt", ông Khánh nói.
PGS Lộc cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều rủi ro, đặc biệt tình trạng biến động về việc làm, thu nhập sẽ là cơ hội cho các hình thức lừa đảo xâm nhập.
Giữa năm nay, trong lúc túng quẫn, vợ chồng chị Hồng Hạnh, 29 tuổi, ở Lạng Sơn vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để kinh doanh. Tiền chưa về, chị nhận được cuộc gọi mạo danh ngân hàng, đề nghị chuyển gấp 20 triệu đồng, bảo hiểm khoản vay. Sau đó, số điện thoại này liên tục gọi đến, yêu cầu chị Hạnh chuyển thêm tiền. Khi khoản tiền lên đến 180 triệu đồng, vợ chồng chị mới vỡ ra bị lừa.
Thu nhập thấp, chi tiêu không khoa học, không có tiền tiết kiệm, vay nợ nhiều khiến tài chính khi về già của người Việt rơi vào tình trạng báo động. Theo khảo sát của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, chỉ có 27% người Việt trong độ tuổi hưu trí có lương hưu và tài chính ổn định, số còn lại có điều kiện sống khó khăn hoặc phải dựa vào trợ cấp từ con cái. Khoảng 40% phải làm việc đến năm 70-74 tuổi.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh khuyên nên mọi người cần nhớ nguyên tắc chi tiêu: thu phải cao hơn chi. Người trẻ cần phân chia tài chính thành: các khoản chi phí thiết yếu, tiền đầu tư kinh doanh và tiết kiệm phòng rủi ro. Cần có nhiều hơn một nguồn thu, thường từ ba trở lên... để gia tăng độ an toàn về tài chính.
PGS Nguyễn Đức Lộc cho rằng có nhiều cách để xây dựng và phát triển mối quan hệ xã hội mà không tốn quá nhiều chi phí bằng thiết lập và duy trì mối quan hệ thường xuyên thông qua tương trợ, cách giúp đỡ người khác, tham gia vào các hoạt động xã hội như một món quà trao nhau trong đời sống thường ngày.
Minh Anh, cô gái quê miền Trung, đang nuôi ý định tìm việc làm thêm, nhưng vừa qua, nghe một người bạn kể chuyện bị lừa do làm thêm trên mạng xã hội, cô nản lòng.
"Có lẽ tôi sẽ phải thắt lưng buộc bụng, hết năm nay, trả hết nợ ngân hàng và trả góp xe, cuộc sống sẽ dễ thở hơn", cô nói.
Phạm Nga
*Tên một số nhân vật đã thay đổi.