Ngày 29/7, nội dung trên được Công an TP HCM nêu trong kết luận điều tra bổ sung lần 2 gửi VKS cùng cấp về việc kê biên tài sản từ "tiền phạm tội" của các bị can Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, Chủ tịch Công ty cổ phần địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm.
Tổng cộng, Công an TP HCM đã kê biên 650 thửa đất có diện tích hơn 447 ha, tổng giá trị theo kết quả định giá là gần 1.500 tỷ đồng.
Trong đó, tại TP HCM, 3 khu đất đứng tên địa ốc Alibaba và Nguyễn Tấn Lực (em trai Luyện) ở TP Thủ Đức được định giá hơn 76 tỷ đồng.
Tại Đồng Nai, 234 thửa đất tại các huyện Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Long Thành, TP Biên Hòa được định giá hơn 611 tỷ đồng.
369 thửa đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu và 44 thửa đất ở Bình Thuận có giá gần 800 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình khám xét, cảnh sát đã tạm giữ hơn 9,2 tỷ đồng tiền mặt; 20 thỏi kim loại màu vàng (kết quả giám định toàn bộ số hợp kim trên không phải là vàng); 257 miếng kim loại màu vàng có chữ Địa ốc Alibaba (đã được giám định chất lượng, hàm lượng vàng); 19 ôtô, xe máy do các bị can, nghi can sử dụng; hơn 1,6 tỷ đồng tiền đặt cọc thuê nhà; phong tỏa hơn 45 tỷ đồng trong 49 tài khoản của cá nhân, các công ty do Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm lập ra...
Cơ quan điều tra đã ra quyết định trưng cầu hội đồng định giá tài sản. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan đều phải thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính Phủ, địa phương nên không thể tổ chức họp và kết luận định giá đối với phần tài sản trên", kết luận điều nêu.
Công an TP HCM cho rằng, việc này không ảnh hưởng đến bản chất hành vi phạm tội của các bị can. Việc đề nghị truy tố Luyện và các bị can căn cứ trên phần tài sản bị chiếm đoạt là hơn 2.500 tỷ đồng của hơn 4.100 nạn nhân. Còn kết quả định giá đối với các bất động sản bị kê biên, tiền, xe... là nhằm phục vụ cho việc thi hành án. Thông tin về tài sản cần định giá sẽ được cơ quan điều tra bổ sung ngay khi có kết quả, đảm bảo việc xét xử, thi hành án.
Theo điều tra, Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đã lập ra hàng chục pháp nhân công ty, dựng lên 58 dự án "ma" tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận. Nhóm này tự đặt tên, phân lô, tách thửa rồi quảng cáo bán cho hơn 4.100 người, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Thủ đoạn của Luyện và cấp dưới là hình thức huy động vốn theo dạng đa cấp, sử dụng đất nền trong dự án không có thật làm mồi nhử. Khi bán cho các nạn nhân, địa ốc Alibaba hứa hẹn mua lại đất nền giá cao hơn với lợi nhuận 30% chỉ sau một năm, hoặc có lãi ngay sau khi mua và tăng dần theo thời gian.
Ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản sai pháp luật, Công ty Alibaba không có thêm hoạt động kinh doanh nào khác nên cơ quan điều tra xác định "toàn bộ nguồn thu của họ là bất hợp pháp".
Nguyễn Thái Luyện và em trai Nguyễn Thái Lĩnh (31 tuổi, Tổng giám đốc) bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo buộc cùng tội danh là các nhân viên chủ chốt Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo), Đào Thị Thanh Lợi (Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự), Nguyễn Lê Hoàng Lan (Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên phụ trách pháp lý) cùng 14 giám đốc, lãnh đạo các công ty con của Alibaba.
Ngoài tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vợ và em trai của Luyện là Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực; kế toán Huỳnh Thị Kim Thắng bị cáo buộc hành vi Rửa tiền.
Quốc Thắng