Theo khảo sát của Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE), tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin trong năm ngoái là 45,13%. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong 10 năm liên tiếp thực hiện khảo sát.
Nhóm doanh nghiệp vốn hoá lớn có tỷ lệ đạt chuẩn công bố thông tin tốt nhất với 55%, còn nhóm vốn hoá vừa và nhỏ lần lượt là 54% và 42%. Ngành bất động sản dẫn đầu cả về số lượng doanh nghiệp, tổng vốn hoá thị trường và lợi nhuận ròng. Ngành ngân hàng xếp thứ hai bởi các nhà băng đều có vốn hoá, doanh thu và lợi nhuận lớn dù chỉ 7 đơn vị đạt chuẩn công bố thông tin.
Vốn hoá của các doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin gấp rưỡi nhóm không đạt chuẩn, lần lượt là 2,09 triệu tỷ đồng và 1,35 triệu tỷ đồng. Các doanh nghiệp không đạt chuẩn công bố thông tin thường vi phạm tiêu chí liên quan đến công bố báo cáo tài chính hàng quý, lỗi bị nhắc nhở hoặc xử phạt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc nghiên cứu Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), công bố thông tin minh bạch là một phần trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư nhưng chưa được một số doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Việc chú trọng hoạt động này mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như hỗ trợ giá cổ phiếu, cải thiện giá trị thương hiệu, tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp trong việc trao đổi thông tin với nhà đầu tư,...
"Trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp nào, chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, kế hoạch mở rộng thị phần... bằng những thông tin chính thống do doanh nghiệp cung cấp. Nếu thiếu hụt, chúng tôi coi đấy là một rủi ro và dĩ nhiên khi rủi ro tăng thì định giá sẽ giảm", ông Linh nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Nhị Năng, Trưởng cơ quan đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại TP HCM cho rằng, hoạt động quan hệ nhà đầu tư góp phần quan trọng trong giai đoạn chốt chặn để chứng khoán của doanh nghiệp đạt được mức định giá hợp lý.
"Khoảng trống truyền thông tài chính đang khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có nền tảng tốt chưa phản ánh đúng giá trị và thanh khoản thấp", ông Năng nói.
Đồng thời, ông dẫn chứng gần một nửa cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP HCM và Hà Nội có khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên trong năm qua dưới 10.000 đơn vị. Thậm chí, trên UPCoM có đến 137 cổ phiếu không thanh khoản một phần vì công tác quan hệ nhà đầu tư chưa tốt.
Phương Đông