Dù chưa đạt mục tiêu giảm sinh, bà Lê Thị Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số gia đình trẻ em vẫn nhận định: "Với việc người dân sử dụng các biện pháp tránh thai, triệt sản có xu hướng tăng và tỷ lệ tăng dân số 1,3%/năm thì đến 2005, Việt Nam có khả năng đạt được mức sinh thay thế". Tuy nhiên, từ nay đến đó, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đó là tỷ lệ sinh ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, quy mô dân số đã giảm, nhưng chưa vững chắc. Chất lượng dân số còn thấp, số người nạo hút, phá thai vẫn khá cao.
Để thực hiện mục tiêu năm 2003 với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 64,5%, tỷ lệ nạo phá thai 5%, Uỷ ban Dân số gia đình trẻ em đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường truyền thông, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình cho 4 nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, vị thành niên và thành niên.
Bà Thu cho biết năm tới sẽ đặc biệt chú ý tới việc nâng cao chất lượng dân số và sức khoẻ sinh sản, tập trung cho các xã nghèo vùng xa, vùng có mức sinh cao. Uỷ ban sẽ trình Quốc hội thông qua pháp lệnh Dân số và xây dựng 2 Nghị định liên quan.
Dự kiến kinh phí đầu tư cho chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình năm 2003 là 415 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 260 tỷ, vốn viện trợ là 20 tỷ, còn lại là vay của Ngân hàng thế giới và ADB.
N.T.