- Nghĩa là đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về kiểm tra kê khai?
- Đúng vậy! Phải chờ hướng dẫn của trên. Biện pháp kiểm tra hậu kê khai cần tính toán kỹ. Tuy nhiên, theo Điều 18 Nghị định 13/CP (30/1/2002), khi phát hiện việc kê khai có dấu hiệu bất minh, thủ trưởng cơ quan quản lý của người kê khai hoặc cấp trực tiếp có quyền yêu cầu thẩm tra, xác minh. Nếu có sai phạm sẽ tùy mức độ vi phạm để xử lý theo pháp luật.
- Theo ông có nên lấy ý kiến của cơ quan nơi cán bộ làm việc và địa phương nơi cư trú?
- Cũng chưa có quy định dù đó là điều cần thiết. Nhưng nếu có dư luận nghi ngờ thì cần thẩm tra làm rõ, cán bộ là đảng viên thì phải đưa ra chi bộ xem xét, cán bộ ngoài Đảng thuộc trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan nơi người đó công tác. Sai đến đâu phải xử lý đến đó, nếu cần thiết sẽ công bố cho dân biết.
- Liệu từng cấp, từng cơ quan có quyền tự có những biện pháp riêng để tiến hành kiểm tra ngay sau khi kê khai không?
- Tóm lại là chờ chủ trương chung. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chủ động có biện pháp kiểm tra hợp pháp thì cũng không có gì sai.
- Nếu cán bộ trung thực, có bao nhiêu khai hết nên tài sản được khai rất lớn, vậy có ảnh hưởng gì đến con đường thăng tiến của cán bộ đó không?
- Không ai ngăn cản cán bộ, đảng viên làm giàu chân chính cả. Bản kê khai của cán bộ được xem là hồ sơ không thể thiếu khi xét bổ nhiệm, đề bạt khi giới thiệu bầu cử các chức danh lãnh đạo nhưng đó không phải là phương pháp chủ yếu để đánh giá cán bộ trong sạch hay không trong sạch. Tài sản lớn nhưng tài sản có nguồn gốc hợp pháp thì không ảnh hưởng gì cả.
- Có trường hợp cán bộ "giả" trung thực, khai hết để hợp thức hóa tài sản bất minh nào đó. Người này được bổ nhiệm, rồi sau đó lại bị phát hiện có bê bối liên quan đến khối tài sản. Đây là chuyện đã rồi, không nên. Theo ông, làm thế nào để ngăn ngừa tình huống này?
- Nếu thấy khối tài sản do cán bộ kê khai quá lớn, nguồn gốc khai chưa rõ, cơ quan có thẩm quyền nên yêu cầu giải trình trước khi chuẩn bị đề bạt cán bộ. Nên so sánh thu nhập của cán bộ, họ có việc làm thêm nào không, tìm hiểu gia đình họ, các mối quan hệ...
- Trường hợp cần thiết, các cơ quan thanh tra, tố tụng có quyền yêu cầu cung cấp để điều tra không?
- Cơ quan nơi cán bộ công tác có nghĩa vụ cung cấp bản kê khai tài sản của cán bộ theo yêu cầu của cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, kiểm sát để các cơ quan này tiến hành kiểm tra, điều tra nếu cán bộ có liên quan tiêu cực vụ án.
Như nếu người nào làm sai lệch nội dung bản kê khai, cung cấp cho người không có thẩm quyền sử dụng, lợi dụng kê khai để gây mất đoàn kết nội bộ, sử dụng trái pháp luật bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý thích hợp.
(Theo PL TPHCM)