- Mấy năm qua, ngày càng có nhiều cầu thủ bị phát hiện dính vào các tệ nạn xã hội, như ma tuý, cờ bạc, cá độ... Là một người làm bóng đá lâu năm, ông nói gì về vấn nạn này?
- Bóng đá là một phần của đời sống xã hội nên nó cũng mang đầy đủ những mặt tiêu cực của xã hội. Bản lĩnh và sự khiêm tốn của nhiều cầu thủ Việt Nam thì không ổn. Họ thường vất vả và sống thiếu thốn lâu quá và bây giờ, khi kiếm được tiền, họ trở thành những Hoàng tử nên họ phải chơi như những ông hoàng thực thụ. Thay vì gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ hoặc tiết kiệm cho kế hoạch tương lai, họ lại đổ tiền vào những trò chơi vô bổ và rất có hại cho sự nghiệp, thậm chí là rơi vào vòng lao lý.
Ông Nguyễn Văn Vinh kêu gọi các đội bóng cần phải có chế tài công khai đối với các cầu thủ tệ nạn. Ảnh: Trường Huy. |
- Với tư cách là một nhà quản lý bóng đá, theo ông có những nguyên nhân nào dẫn đến rất nhiều cầu thủ dính vào tệ nạn xã hội?
- Căn bệnh thành tích, sợ mất uy tín, tổn hại danh dự mà xử lý qua loa, thậm chí còn giấu kín, làm cho quá trình "ủ bệnh" diễn ra lâu hơn và bây giờ phát tác mạnh mẽ như vậy. Dù cam kết bằng văn bản giữa cầu thủ và CLB hay bất cứ biện pháp gì cũng còn những kẽ hở và họ đã đối xử một cách tình cảm với những kẽ hở đó, sống chung với các cầu thủ dính tệ nạn xã hội và vẫn cảm thấy bình thường với những con người này.
Tới nay, SLNA và T&T Hà Nội là những người tiên phong trong việc chiến đấu với các cầu thủ dính vào ma tuý nhưng lẽ ra, điều này cần phải làm sớm hơn, mạnh hơn và công khai hơn. Nếu chúng ta thẳng thắn, lành mạnh mẽ thì có lẽ, rất nhiều cầu thủ đã biết dừng lại trước khi bị tệ nạn xã hội cuốn phăng cả sự nghiệp mà họ đã rất vất vả gây dựng. Nếu chúng ta cương quyết hơn, gạt bỏ cái danh dự hão đi thì chắc là bóng đá Việt Nam còn nhiều người tài nữa.
- Các CLB bóng đá Việt Nam đã làm gì để hạn chế tình trạng đó?
- Nói thật là bây giờ chưa có biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu hiện tượng trên đâu. Tuy nhiên, nói chung, chúng ta đang thiết lập chế tài nghiêm khắc và giáo dục tư tưởng cũng như lối sống cho các cầu thủ khi họ còn 12, 13 tuổi. Trước hết, chúng ta phải có chế tài công khai, phạt nặng những người dính vào tệ nạn xã hội để làm gương cho những người đang mon men tiến tới các thói hư tật xấu đó.
Với các cầu thủ, hãy giải thích cho các em hiểu chính họ là người phải hứng chịu hậu quả cho việc làm sai trái của mình. Chúng ta phải dạy các cháu, các em vốn chưa có kinh nghiệm sống bản lĩnh để chống lại sự cám dỗ khủng khiếp từ xã hội. Tôi xin nhấn mạnh rằng trong công cuộc làm sạch sân cỏ khỏi tệ nạn xã hội, chính những ông lãnh đạo phải gương mẫu, phải là tấm gương sáng cho các cháu, các em noi theo. Nhiều ông lãnh đạo nói cầu thủ không nghe vì dạy con mình không nổi thì làm sao dám nói con hàng xóm.
Sỹ Mạnh (vàng, đội T&T Hà Nội) vẫn còn may mắn vì thuốc lắc chưa lấy đi của anh tất cả. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Nhiều đội bóng có cách kiểm soát cầu thủ bằng giờ giới nghiêm và kiểm tra y tế đột xuất. Ông nghĩ sao về tính hiệu quả của những phương pháp này?
- Đó cũng là một cách làm nhưng các cầu thủ bây giờ quái lắm mà lãnh đạo các đội bóng không thể kiểm soát họ 24/24 giờ. Tôi cho rằng, quan trọng nhất là các đội bóng cần có những phương pháp quản lý hợp lý với những con người của họ, có phương pháp giáo dục cơ bản, cột trách nhiệm của lãnh đạo, ban huấn luyện đội bóng vào việc quản quân...
Trong hợp đồng với từng cầu thủ, chúng ta cũng nên phản ánh vấn đề này. Quy chế bóng đá chuyên nghệp cũng cần quy định rõ trách nhiệm của những người có trách nhiệm CLB cũng như của VĐV nếu ai đó bị phát hiện dính đến tệ nạn xã hội. Tất cả đều phải tôn trọng và nghiêm khắc chấp hành.
- LĐBĐ VN có vai trò như thế nào trong việc phòng và chống tệ nạn xã hội tấn công cầu thủ?
- LĐBĐ VN phải đặt ra quy chế đủ nghiêm khắc cần thiết. Khi cơ quan pháp luật đã có phản ánh chính thức thì LĐBĐ VN phải là người đứng ra phạt các cầu thủ. Những người dính tệ nạn xã hội còn được đá bóng nữa hay không, treo giò trong bao lâu chính là quyết định của LĐBĐ VN. Với quy chế và chế tài trong tay, Liên đoàn có vai trò rất rõ nét trong việc hạn chế tình trạng tệ nạn xã hội tấn công cầu thủ.
Cùng với nạn doping, gian lận trong thi đấu, thể thao thế giới chống tiêu cực xã hội rất mạnh mẽ. Họ có những cách làm rất hay và triệt để. Đã đến lúc, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải học tập và kế thừa những thành tựu của nền thể thao thế giới để làm trong sạch hơn nền thể thao của chúng ta.
Minh Hải thực hiện