- Ông nghĩ sao về ý tưởng xây dựng tuyến phố đi bộ quanh hồ Gươm vào cuối tuần đang được Hà Nội nghiên cứu?
- Các tuyến Hàng Ngang, Hàng Đào, quanh hồ Gươm, Tràng Tiền đã được đặt trong quy hoạch chi tiết thành phố đi bộ từ năm 1996. Tuy nhiên, gần 15 năm qua chưa có động thái tích cực để trở thành hiện thực. Tôi ủng hộ có tuyến đi bộ nhằm tôn vinh giá trị của khu vực và là một tiêu chí đánh giá thành phố văn minh văn hiến, thân thiện.
Có lẽ lộ trình đầu tiên là phải thí điểm. Quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu làm thí điểm đoạn trước Điện lực Hà Nội đến tượng Lê Thái Tổ. Tôi đã tham gia đóng góp ý kiến cho đề án này.
![]() |
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm: "Tuyến phố đi bộ được đề xuất từ năm 1996". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Trước khi triển khai tuyến phố đi bộ, theo ông, chính quyền phải thực hiện những công việc gì?
- Hà Nội đã có một số tuyến phố đi bộ vào cuối tuần như Hàng Ngang, Hàng Đào, nhưng quản lý chưa tốt, toàn bán hàng chất lượng không cao, hàng nhái, trong khi mục tiêu là bán hàng truyền thống. Chỗ đỗ xe cũng không có. Ở các nước khác tại điểm đầu và điểm cuối đều có bãi đỗ xe, là điểm dừng đỗ của phương tiện công cộng.
Để triển khai, phải xác định lộ trình của tuyến đi bộ, trong đó bố trí điểm đỗ xe hợp lý. Các năm qua đã có nhiều đề xuất làm bãi đỗ xe ngầm ở vườn hoa Lý Thái Tổ, quảng trường Ngân hàng, trước nhà hàng Phú Gia, vườn hoa Hàng Đậu… Nhưng đến nay chúng ta chưa có cơ chế thích hợp nên không thể triển khai dự án dù đã xác định chủ đầu tư.
Các tiện ích đô thị như nhà vệ sinh, thùng rác, ghế đá hay những cảnh quan cũng phải thiết lập. Hiện mới có 2 điểm nhà vệ sinh quanh hồ Gươm, tương lai phải có thêm ở các vị trí như gần công an quận Hoàn Kiếm, phố Hàng Khay, nhà Thủy Tạ… Cần có giải pháp tổ chức không gian công cộng để thích ứng cho các hoạt động ngoài trời, tạo thành khu vực lễ hội mang tính truyền thống.
Khi tổ chức phố đi bộ, chúng ta tạo ra tuyến phố thân thiện với môi trường, tạo bản sắc Hà Nội. Trên các tuyến này hiện có những ngôi nhà không hài hòa, lộn xộn thì cần chỉnh trang lại. Nên tôn vinh các giá trị của tháp Hòa Phong, tháp rùa để tạo giá trị văn hóa lịch sử. Trục Tràng Tiền - Tràng Thi có thể là trục thương mại thì cần nâng cấp bán hàng hiệu thay vì các cửa hàng nhỏ lẻ lộn xộn như hiện nay. Ở các nước, phố đi bộ chủ yếu bán văn hóa phẩm hoặc hàng cao cấp, xen kẽ phục vụ tiện ích cho người đi bộ.
![]() |
Quanh Hồ Gươm cần nhiều tiểu cảnh như đồng hồ hoa. Ảnh: Tiến Dũng. |
- Khi đương chức, ông cũng không thực hiện được ý tưởng tuyến phố đi bộ, nguyên nhân vì sao?
- 15 năm qua chưa làm được vì thành phố thiếu quyết tâm. Năm 1996, chúng tôi mới đề nghị xây thêm các nhà vệ sinh quanh hồ thì dư luận đã phản ứng, bàn luận là ngầm hay nổi, thoát nước ra sao.
Có nhiều dự án bãi đỗ xe quanh khu vực này nhưng thiếu cơ chế, có doanh nghiệp đề nghị xây 4 tầng, trong đó 2 tầng làm bãi đỗ xe còn lại kinh doanh thương mại, song thành phố không chấp thuận.
Quan trọng nhất hiện nay là xây dựng các bãi đỗ xe ngầm xung quanh khu vực đi bộ. Chưa có đủ chỗ đỗ xe thì không thể triển khai. Nếu không sẽ tạo ra tệ trông giữ xe quá giá, rất khổ cho người dân.
- Khi cấm phương tiện đi quanh hồ Gươm rất có thể các tuyến phố lân cận bị ùn tắc, ông nghĩ sao về lo ngại này?
- Tất nhiên ngành giao thông phải tổ chức phân luồng, phải tính toán đảm bảo khả năng thông thoáng cho các tuyến lân cận. Ví dụ, đường Trần Quang Khải không cho làm bãi đỗ ôtô thì lòng đường sẽ thoáng hơn. Nên tuyên truyền cho các chủ phương tiện đi các tuyến đường xa hồ Gươm, thay vì đi gần hồ như hiện nay.
GS. TS Nguyễn Lân, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam: "Nên thí điểm từng đoạn một"
Ở các nước, tuyến đi bộ thường ở chỗ đông đúc, nhiều người qua lại để tránh ôtô, phương tiện giao thông cơ giới ảnh hưởng đến việc đi lại. Nhưng thường các tuyến này không dài lắm, mà là từng đoạn một. Tương tự, ở Hà Nội, những khu vực đông đúc, tập trung người qua lại nhiều, không nên để xe cơ giới vào, bởi đến khi không hạn chế được thì gây ra ùn tắc, tai nạn... Nên chọn được một số tuyến đi bộ để người dân khi đi trên đó rất thảnh thơi, không phải lo ngại chuyện tránh xe cộ thì rất tốt. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Ngang - Hàng Đào - Đồng Xuân mà triển khai phố đi bộ thì tôi cho là phù hợp. Đương nhiên, hiện nay có khó khăn là các gia đình sống trong khu vực đó đi bằng ôtô, xe máy nên cấm thì sẽ như thế nào? Thành phố cần tạo điều kiện có chỗ gửi xe để giải quyết việc ấy, dù trong phố cổ tìm đất làm bãi giữ xe không phải dễ. Tuyến phố đi bộ lúc đầu triển khai sẽ gặp khó khăn nhất định, đặc biệt là đối với người dân sống trong khu vực. Thế nhưng tôi nghĩ, việc trong đô thị có một số tuyến phố đi bộ thì cần phải ủng hộ. Người đi chơi rất muốn tuyến phố không có phương tiện cơ giới qua lại nhưng người trong phố ấy thì lại muốn ôtô vào tận cửa nhà. Người dân cũng phải từ bỏ thói quen ngồi trên xe mua bán hàng hóa bởi như thế càng khiến giao thông rối loạn. Trong điều kiện hiện nay, việc sử dụng phương tiện cá nhân còn chiếm tỷ trọng lớn, nhà nào cũng có xe máy, ôtô, đi lại liên tục thì ở các phố đi bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng và người ta thấy phân vân. Nhưng tôi nghĩ có lẽ Hà Nội nên thí điểm từng đoạn, sau đó rút kinh nghiệm dần. Trên phố đi bộ mà có các cửa hàng phục vụ thì rất tốt nhưng tránh tình trạng bày bừa, buôn bán lung tung. |
Đoàn Loan - Tiến Dũng