Chủ nhật, 1/12/2024
Thứ ba, 30/8/2016, 15:24 (GMT+7)

Chùa Cầu Hội An trước đề xuất trùng tu lớn

Trước thông tin Chùa Cầu Hội An sẽ được trùng tu theo phương án hạ giải (tháo dỡ toàn bộ), nhiều ý kiến lo lắng Chùa Cầu sau này chỉ còn là "phiên bản".

Chùa Cầu là cây cầu cổ mang tính biểu tượng của phố cổ Hội An. Đây là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu dài khoảng 18m, vắt cong qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn, nối liền đường Trần Phú với đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Năm 1653, trên cầu được dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can, nhô ra giữa cầu. Từ đó người dân địa phương gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đến thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa".

Chùa Cầu có kiến trúc khá độc đáo, kiểu thượng gia hạ kiều, tức trên là nhà dưới là cầu. Chùa và cầu đều bằng gỗ, được sơn son chạm trổ rất công phu, mặt Chùa quay về phía bờ sông.

Chùa Cầu trải qua nhiều lần trùng tu, hình dáng cũng thay đổi. Dáng vẻ ngày nay được hình thành trong những lần sửa chữa vào thế kỷ 18 và 19. 

Ông Nguyễn Chí Trung (Giám đốc Trung tâm Quản lí Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An) cho biết: Tại cuộc hội thảo “Trùng tu Chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp” ngày 16/8, đa số các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đồng ý với giải pháp cho hạ giải toàn bộ Chùa Cầu để trùng tu mới.

 

Ngày 17/2/1990, Chùa Cầu được nhà nước cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia. Đến nay, Chùa Cầu đã trải qua 7 đợt tu bổ lớn. Chuyên viên nghiên cứu lịch sử Võ Hà (Đà Nẵng) nhận định, việc hạ giải toàn bộ Chùa Cầu để trùng tu mới sẽ "đánh vào tâm lý con người, vì cái gì đã tháo ra toàn bộ và lắp lại thì nó không còn là chính nó". Theo ông Võ Hà, dù có trùng tu xây lắp lại nguyên xi thì người ta vẫn có có cảm giác "không phải nó".

KTS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích) cảnh báo về những tác động trong quá trình trùng tu các di tích lịch sử, vì vậy việc trùng tu Chùa Cầu hiện nay là "vấn đề không hề đơn giản". 

Ông Nguyễn Văn Tiến, người đã làm việc ở Chùa Cầu 20 năm nói: "Tôi thấy hiện trạng Chùa Cầu vẫn tốt, nhưng chỗ bị hỏng, xuống cấp đều đã được sửa. Cứ như thế này 10 năm nữa cũng chẳng phải làm gì, không biết cấp trên quyết định thế nào chứ tôi thấy không nhất thiết phải tháo dỡ để làm lại".

Nhiều ý kiến lo ngại, Chùa Cầu là di tích hàng trăm tuổi, nếu tháo ra để tu bổ thì sau nay chỉ là "phiên bản của Chùa Cầu".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho biết, việc trùng tu Chùa Cầu phải được tiến hành trên cơ sở giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích. Trong ảnh là gầm Chùa Cầu. 

Hàng năm Chùa Cầu đón khách du lịch từ khắp nơi đến thăm quan, cao điểm có 5 đến 7 nghìn khách/ngày.

Giang Huy