* Bài viết của Đại biểu HĐND TP HCM Phạm Minh Trí.
Đại biểu HĐND TP HCM Phạm Minh Trí. |
Thế giới hiện nay chỉ có 11 nước có đường sắt cao tốc, đều là nước phát triển, rất giàu. Các nước khác không cấp thiết xây đường sắt cao tốc, vì nhiều lý do, trong đó có Việt Nam.
Tôi rất đồng tình và chia sẻ quan điểm về hướng chiến lược phát triển giao thông vận tải của một số nguyên lãnh đạo ngành giao thông, những băn khoăn chính đáng của một số đại biểu Quốc hội về gánh nặng nợ ngân sách, hiệu quả kinh tế không cao của dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Điều có thể nói ngay trước tiên, dự án đường sắt cao tốc là dự án phát triển giao thông vận tải của những nước giàu, kinh tế phát triển, người dân có thu nhập cao, đời sống kinh tế xã hội của đất nước đã được nâng cao. Đây không phải dự án phát triển giao thông cho Việt Nam vào lúc này, khi đang phải đối mặt khá nhiều vấn đề kinh tế xã hội, môi trường rất bức xúc như nguy cơ tái lạm phát cao, bội chi ngân sách, công nợ, nhập siêu, tỷ giá ngoại hối, giá vàng biến động phức tạp…
Những vấn đề có tác động lớn đến ổn định vĩ mô, lạm phát; khá bức xúc về giao thông vận tải như tình trạng yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; tình trạng quá lạc hậu của giao thông công cộng; tình trạng kẹt xe, ngập nước không dễ dàng khắc phục trong một số năm trước mắt; tình trạng kém phát triển của giao thông đường bộ.
Trong bối cảnh hiện nay và tầm nhìn đến năm 2020 với mục tiêu chiến lược là cơ bản thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại; có thể nhận thấy dự án đường sắt cao tốc có một số nhược điểm không thể khắc phục và vượt qua được như:
- Dự án cần huy động vốn quá lớn. Theo tính toán sơ bộ 56 tỷ đôla, nhưng khi triển khai chắc chắn chi phí thực tế không thể dừng ở mức đó mà sẽ đội lên hơn, trong khi GDP cả năm Việt Nam đang ở mức trên dưới 100 tỷ đôla, nợ công chiếm khoảng hơn 44% GDP, dự trữ ngoại tệ còn rất khiêm tốn.
- Một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính hiệu quả kinh tế không cao là rất chính đáng. Theo tôi, hiệu quả kinh tế của dự án thấp đến mức mà chúng ta phải cân nhắc với tinh thần trách nhiệm cao với đất nước, nhiều thế hệ dân tộc là có nên làm hay không, vì lẽ giá thành sản phẩm đường sắt cao tốc này theo tính toán ban đầu bằng 75% giá vé máy bay, cao hơn nhiều so với vận tải đường bộ.
Giá thành đắt như vậy thì chỉ đạt được tốc độ cao cho đoạn đường Hà Nội - TP HCM, trong khi cả mạng lưới giao thông từ Hà Nội lan tỏa đi các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng vẫn trong tình trạng kém phát triển, lạc hậu. Cũng tương tự như vậy đối với TP HCM, chúng ta có đường sắt tốc độ cao từ Hà Nội - TP HCM, trong khi giao thông từ TP HCM đi các tỉnh miền Đông, miền Tây và đồng bằng sông Cửu Long vẫn trong tình trạng kém phát triển.
- Tôi rất đồng tình quan điểm của nguyên Bộ trưởng Giao thông Đào Đình Bình, trong thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay, năng lực tài chính, nợ nần hiện nay và trong những năm tới; có lẽ nên chọn hướng phát triển giao thông đường bộ, ưu tiên phát triển đường bộ, giao thông công cộng đa tầng, đa phương tiện, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trước tiên.
Có lẽ đến sau năm 2020 hãy nghĩ đến dự án đường sắt cao tốc thì có lẽ hợp lý, hợp thời hơn chăng?
Phạm Minh Trí