Trong thế giới đầu tư đầy biến động và cơ hội, việc sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp trước IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, đầu tư vào cổ phiếu của một công ty trước khi nó chính thức niêm yết trên sàn giao dịch còn đặt nhà đầu tư trước những thách thức rất lớn trong việc định giá và quản trị rủi ro.
Đầu tiên, bạn hãy cùng xem xét những lợi ích của việc đầu tư sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp trước IPO sẽ đem lại những lợi ích như thế nào. Sở hữu "giá nội bộ" là một trong những lợi ích rõ ràng nhất khi đầu tư vào cổ phiếu trước IPO (pre-IPO). Nhà đầu tư có khả năng tiếp cận cổ phiếu với mức giá thấp hơn so với giá niêm yết sau này trên thị trường, tạo điều kiện có thể tận dụng sự chênh lệch giá để thu lợi nhuận đáng kể, đặc biệt nếu công ty thực hiện IPO thành công và giá trị cổ phiếu tăng vọt.
Thứ hai là sớm sở hữu những cơ hội tăng trưởng lợi nhuận cao. Đầu tư vào cổ phiếu pre-IPO cũng giống như việc đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng của một công ty. Các công ty chọn đi con đường IPO thường có kế hoạch và mục tiêu phát triển mạnh mẽ. Việc nhận diện và đầu tư vào những công ty này từ giai đoạn sớm có thể mang lại lợi nhuận không ngờ cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tiềm năng, việc đầu tư vào cổ phiếu pre-IPO không phải là con đường trải hoa hồng. Tôi sẽ liệt kê các rủi ro để bạn tham khảo.
Thứ nhất là rủi ro về thị trường mang tính hệ thống. Rủi ro thị trường, hay còn gọi là rủi ro hệ thống, đề cập đến nguy cơ mà toàn bộ thị trường chứng khoán hoặc một phân khúc cụ thể của thị trường có thể giảm giá trị, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của tất cả công ty, bất kể hiệu suất kinh doanh của họ. Điều này đặc biệt quan trọng với các công ty đang chuẩn bị cho IPO vì giá trị và sự thành công của đợt phát hành có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi tâm lý và điều kiện chung của thị trường.
Khi một công ty quyết định IPO, họ phải đối mặt với một thị trường biến động, không chắc chắn, có thể biến một kế hoạch niêm yết hứa hẹn thành một thất bại về giá cả hoặc thậm chí là không thể thực hiện được. Nếu thị trường đang trải qua một giai đoạn không ổn định, như một cuộc khủng hoảng tài chính, một cuộc suy thoái kinh tế hoặc thậm chí chỉ là sự biến động mạnh do tin tức tiêu cực, nhu cầu với cổ phiếu mới có thể giảm sút đáng kể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng bán hết cổ phiếu mà còn dẫn đến việc định giá cổ phiếu thấp hơn nhiều so với dự đoán, làm giảm lượng vốn mà công ty có thể huy động được.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý rủi ro về tuân thủ pháp lý ở Việt Nam. Quá trình thực hiện IPO của một công ty không chỉ đơn giản là quyết định kinh doanh mà còn là quá trình phức tạp đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp cùng các văn bản hướng dẫn thi hành là những quy định cơ bản mà mọi công ty cần tuân theo khi tiến hành IPO. Các vấn đề pháp lý từ việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin, quản trị công ty, đến việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông, đều cần được xem xét kỹ lưỡng. Cụ thể, bất kỳ sự thiếu sót nào trong tuân thủ quy định có thể dẫn đến việc hoãn hoặc hủy bỏ đợt IPO.
Rủi ro về thanh khoản cũng cần được cân nhắc. Đây là một trong những thách thức đáng kể với nhà đầu tư khi tham gia thị trường cổ phiếu pre-IPO ở Việt Nam. Cổ phiếu trước khi niêm yết không thể mua bán tự do như cổ phiếu của các công ty đã niêm yết. Sự thiếu vắng của một thị trường giao dịch rộng lớn và minh bạch làm tăng đáng kể rủi ro cho nhà đầu tư khi họ muốn chuyển nhượng cổ phiếu của mình, đặc biệt trong những thời kỳ thị trường biến động.
Ví dụ, để sở hữu cổ phần doanh nghiệp trước IPO, nhà đầu tư được mua cổ phiếu với vùng giá hấp dẫn, tuy nhiên đi kèm với cam kết không được bán, thoái vốn trong một khoảng thời gian có thể được tính bằng năm. Điều này dẫn đến việc giao dịch, mua bán trở nên khó khăn và hạn chế, thanh khoản yếu kém và không thể chuyển dịch trong điều kiện có các yếu tố xấu ảnh hưởng.
Bạn cũng cần quản trị về rủi ro công ty và định giá công ty. Thông tin về công ty trước khi IPO không được phổ biến rộng rãi và chi tiết như công ty đã niêm yết. Điều này đặt ra thách thức lớn cho nhà đầu tư trong việc đánh giá chính xác tiềm năng và rủi ro của doanh nghiệp này. Đặc biệt, nếu công ty không thể thực hiện kế hoạch kinh doanh hoặc không đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng, giá cổ phiếu có thể giảm đáng kể sau IPO, dẫn đến tổn thất lớn cho nhà đầu tư.
Đồng thời, cũng chính về việc thông tin có thể chưa chính xác, nhà đầu tư chỉ nhìn thấy bức tranh màu hồng phía trước nên hoàn toàn có thể định giá và đánh giá tiềm năng công ty sai lầm. Trong thực tế, có những trường hợp IPO nhưng không nhằm mục đích kinh doanh mà nhằm mục đích xấu khác, họ có thể cố tình tạo nên những dữ liệu phù hợp thông qua sự móc nối với nhiều bên để dẫn dắt hoặc thao túng thị trường cổ phiếu.
Từ những yếu tố trên, có thể nói việc mua cổ phần của doanh nghiệp trước IPO luôn hấp dẫn nhưng cũng đi kèm với rất nhiều rủi ro nếu không thể có được sự đánh giá chi tiết và kỹ càng. Tôi đưa ra một số lời khuyên cho bạn như sau.
Thứ nhất là đánh giá lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Doanh nghiệp bạn lựa chọn để mua cổ phần trước IPO có những lợi thế gì để có thể đứng vững trong ngành kinh doanh với các công ty đối thủ đã có thâm niên hoạt động lâu đời, có tiềm lực kinh tế tốt hay đang chiếm thị phần lớn?
Thứ hai cần đánh giá ban lãnh đạo và những việc ban lãnh đạo đã làm. Hiệu quả thực tế so với lời nói đến đâu? Bạn có thể yêu cầu minh bạch các thông tin kinh doanh để đánh giá nguồn doanh thu, lợi nhuận, những rủi ro trong hoạt động kinh doanh và định hướng của ban lãnh đạo.
Thứ ba là xem xét giá cổ phần sở hữu so với các doanh nghiệp cùng ngành thông qua những phương pháp định giá cơ bản như P/E, P/B để có cái nhìn chính xác hơn về định giá. Bạn nên tham khảo các chuyên gia tài chính để có sự hỗ trợ và đánh giá khách quan hơn.
Có nên mua cổ phần doanh nghiệp trước IPO hay không là một câu hỏi khó và cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Điều quan trọng là luôn nhớ đến nguyên tắc cơ bản của việc đầu tư: Đừng bao giờ đầu tư vào sản phẩm hoặc dự án mà bạn không hiểu rõ. Kiến thức, sự cẩn trọng và chiến lược đầu tư thông minh là chìa khóa để đạt được thành công trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là với những cơ hội đầu tư đầy hấp dẫn nhưng cũng không kém phần rủi ro như cổ phiếu trước khi lên sàn.
Trần Mạnh Hoàng Việt
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư & Quản lý gia sản FIDT