Tài xế Trịnh Tiến Dũng, 35 tuổi, vừa bị Công an TP Thủ Đức bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Trước đó, chiều 8/8, người này lái xe tải 14,4 tấn chở thủy sản từ Kiên Giang đi Khánh Hòa. Khi xe đổ dốc cầu Phú Mỹ, quận 7, hướng ra cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thì bị "sự cố về phanh", đâm vào hàng loạt ôtô phía trước làm nhiều người bị thương; 2 xe container và 6 ôtô hư hỏng (3 ôtô cháy rụi), trong đó có xe Volvo, Mercedes...
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định Dũng đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản, sức khỏe của người dân. Còn Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng, tai nạn do yếu tố chủ quan của tài xế vì đã vi phạm quy định về tải trọng - chở vượt khối lượng cho phép hơn 50%. Thời điểm xảy ra tai nạn, tình hình kỹ thuật trên cầu Phú Mỹ đảm bảo ổn định; hệ thống báo hiệu giao thông cũng được bố trí đầy đủ và phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan.
Hiện, ngoài việc điều tra xử lý hình sự lái xe gây tai nạn, Công an TP Thủ Đức cũng làm rõ trách nhiệm dân sự của những người liên quan.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, đối với những vụ tai nạn do phương tiện giao thông vận tải gây ra, Bộ luật Dân sự 2015 xếp loại các phương tiện này là "nguồn nguy hiểm cao độ" và quy định riêng tại Điều 601 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tùy trường hợp thực tế (căn cứ kết quả điều tra của Công an TP Thủ Đức) mà chủ xe, hoặc tài xế, hoặc đồng thời cả hai phải liên đới trách nhiệm bồi thường.
Các thiệt hại được bồi thường trong tai nạn giao thông được xác định bao gồm thiệt hại về tài sản tại Điều 589, thiệt hại về sức khỏe tại Điều 590 và thiệt hại về tính mạng tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 (nếu có).
Đối với trường hợp do tài xế chủ quan, điều khiển phương tiện trái quy định pháp luật gây tai nạn, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về riêng tài xế. Còn nếu chủ xe không bảo quản kỹ dẫn đến phương tiện bị hư hỏng, không đảm bảo tiêu chuẩn khi lưu thông dẫn đến tai nạn thì chủ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
"Trong vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ, xe tải được xác định là chở vượt khối lượng cho phép hơn 50%. Như vậy nguyên nhân gây ra tai nạn không đơn giản nằm ở sự chủ quan của tài xế khi điều khiển phương tiện mà lỗi còn có thể nằm ở chủ xe khi yêu cầu tài xế phải chở vượt tải trọng cho phép", luật sư Hậu phân tích. "Do đó, tùy theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể thuộc về chủ xe, hoặc tài xế, hoặc cả hai".
Đồng quan điểm, song luật sư Ngô Quí Linh, Giám đốc Công ty Luật Mai Đăng Khang, cho rằng nếu trong quá trình điều tra mà xác định những người bị nạn cũng có lỗi (ví dụ: không giữ đủ khoảng cách an toàn với các xe khác ngay trước khi tai nạn xảy ra), thì mức độ trách nhiệm bồi thường của chủ xe hoặc tài xế xe tải sẽ được giảm đi tương ứng với phần thiệt hại do lỗi của những người bị nạn. Việc này được quy định tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự, và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.
Ngoài ra, theo luật sư Linh, các chủ phương tiện, lái xe khi lưu thông qua cầu Phú Mỹ đều phải trả phí nên cơ quan điều tra cũng cần xem xét trách nhiệm liên đới của các cơ quan phê duyệt, thi công, nghiệm thu và vận hành/duy tu bảo dưỡng cầu (nếu có), để tránh bỏ sót trách nhiệm. Những cơ quan này phải chịu trách nhiệm về việc thi công và đưa cầu vào sử dụng theo các tiêu chuẩn hiện hành. Do đó, khi điều tra, cơ quan điều tra cũng cần tiến hành đối chiếu thực tế điều kiện sử dụng của cầu Phú Mỹ với các quy định hiện hành để xác định có hay không các sai phạm.
Căn cứ vào kết quả điều tra mà chủ xe, lái xe của tất cả các phương tiện chịu thiệt hại cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại độc lập đối với các cơ quan này.
"Thông thường, trong một vụ tai nạn giao thông có liên đới trách nhiệm của nhiều bên thì việc xác định mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại cụ thể sẽ do tất cả các bên tự thương lượng, thỏa thuận với nhau dựa trên kết quả điều tra. Nếu không tự thương lượng, thỏa thuận được thì các bên có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án quyết định", luật sư Linh nói.
Công ty bảo hiểm bồi thường trong trường hợp nào
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định, để phát sinh sự kiện bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm phải quy định rõ về sự kiện bảo hiểm (hư hỏng, tai nạn, thiên tai...) và số tiền bảo hiểm mà bên mua được hưởng. Trong vụ tai nạn này, các ôtô bị thiệt hại có đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị bảo hiểm đền bù tổn thất nếu có mua bảo hiểm cho xe.
Căn cứ quy định tại Điều 43, với đối tượng bảo hiểm là ôtô, các chủ xe phải mua hợp đồng bảo hiểm tài sản nếu muốn được đền bù bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm tài sản có thể chia thành hai loại gồm: bảo hiểm tài sản trên giá trị và bảo hiểm tài sản dưới giá trị. Quy trình đền bù bảo hiểm cho ôtô có thể khác nhau tùy theo từng công ty bảo hiểm.
Nói rõ hơn về vấn đề này, luật sư Ngô Quí Linh cho rằng, hiện nay pháp luật đã quy định các chủ phương tiện giao thông phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Trong trường hợp xe tải gây tai nạn đã mua trách nhiệm bảo hiểm dân sự bắt buộc thì công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đến mức tối đa giá trị phải bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm. Nếu vượt quá giá trị bồi thường tối đa theo hợp đồng bảo hiểm thì chủ xe, hoặc tài xế Dũng, phải bồi thường tiếp phần này.
Trong trường hợp các chủ xe bị hư hỏng trong vụ tai nạn có mua bảo hiểm vật chất thân xe cho ôtô của mình (thường được gọi là bảo hiểm 2 chiều), thì mức bồi thường sẽ tùy vào các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm thiệt hại vật chất thân xe.
Chủ xe có thể liên hệ công ty bảo hiểm của mình để yêu cầu bồi thường thiệt hại, sửa chữa xe cho mình trước. Tiếp đó, chủ xe sẽ hợp tác với công ty bảo hiểm để họ đứng ra yêu cầu công ty bảo hiểm của xe tải gây tai nạn (hoặc chủ xe tải, hoặc tài xế Dũng) phải thanh toán lại khoản tiền đã chi trả cho việc sửa chữa xe bị hư hỏng (theo hợp đồng bảo hiểm thiệt hại vật chất thân xe).
Quốc Thắng